Hà Nội quyết liệt xóa sổ hàng giả

(ĐTTCO) - Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Hà Nội đang triển khai chiến dịch truy quét hàng giả quy mô lớn từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện lượng lớn tất giả của một số nhãn hiệu nổi tiếng tại xã La Phù, huyện Hoài Đức.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện lượng lớn tất giả của một số nhãn hiệu nổi tiếng tại xã La Phù, huyện Hoài Đức.

Không vùng cấm

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng kiểm tra 2.176 vụ, xử lý 2.068 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu và hàng giả. Trong đó, bao gồm 771 vụ hàng nhập lậu, 718 vụ hàng giả, 251 vụ hàng không rõ nguồn gốc. Tổng số tiền thu nộp ngân sách từ xử phạt và tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm đạt hơn 88,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong chiến dịch cao điểm từ 15/5 - 15/6/2025, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) toàn quốc xử lý 3.114 vụ vi phạm, tổng giá trị xử phạt, tịch thu lên tới hơn 63 tỷ đồng. Trong đó, 1.580 vụ hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chiếm 52% tổng số với hơn 16 tỷ đồng tiền phạt; 26 vụ có dấu hiệu tội phạm bị chuyển sang cơ quan điều tra - tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, tại Hà Nội, từ ngày 15-5 đến 15-8, lực lượng chức năng triển khai chiến dịch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công an. Chiến dịch được thực hiện với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", tập trung vào các mặt hàng có nguy cơ cao như thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế, phụ kiện điện tử… UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 27-5, thành lập các tổ công tác liên ngành tại quận, huyện, thị xã, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý thị trường, công an, y tế và chính quyền cơ sở nhằm kiểm tra diện rộng, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Phát hiện hành vi sản xuất hàng giả có tổ chức tại La Phù

Lực lượng chức năng Thủ đô đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc "khủng". Đơn cử như phát hiện một xưởng sản xuất hơn 500 sản phẩm giả nhãn hiệu tại La Phù và nhiều cơ sở sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả với khoảng 3.500 đơn vị sản phẩm bị thu giữ chỉ trong tháng 6-2025; Hơn 50 hộ kinh doanh cá thể tại La Phù đã tự nguyện giao nộp khoảng 25 tấn bánh kẹo, thực phẩm không đảm bảo quy định, được tiêu hủy theo quy định pháp luật…"địa bàn vi phạm" không còn giới hạn ở chợ truyền thống hay các điểm bán lẻ nhỏ lẻ, mà các đối tượng đã len lỏi vào các trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử.

Trao đổi nhanh với phóng viên, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tập trung lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, cửa hàng kinh doanh hàng hóa giả mạo thương hiệu trên các tuyến phố cổ và một số tuyến phố lớn trung tâm Hà Nội. Lực lượng chức năng Hà Nội đang phối hợp mở các chiến dịch càn quét lớn, với phương châm đẩy lùi hàng giả, hàng nhái và xử lý không có vùng cấm nhằm lập lại trật tự kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp chân chính.

Hàng giả "ẩn mình" ngày càng tinh vi, xử lý vẫn gặp nhiều điểm nghẽn

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) đánh giá, qua kiểm tra và xử lý các vụ việc cho thấy, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hơn và có tính chất nghiêm trọng hơn, có dấu hiệu cấu kết thành đường dây, tổ chức chuyên nghiệp xuyên quốc gia…

Nhấn mạnh về việc thủ đoạn vi phạm ngày càng khó lường, ông Linh phân tích, các đối tượng buôn bán hàng giả tận dụng tối đa công nghệ và những kẽ hở trong quản lý để hoạt động. Chúng không còn phụ thuộc vào kho bãi hay cửa hàng truyền thống, đến nay hàng hóa được giao dịch qua mạng xã hội ảo như Zalo, Facebook, "ship ruột" không để lại dấu vết. Đặc biệt, một số đối tượng còn lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế để nhập lậu và phân phối hàng hóa trên diện rộng, khiến việc truy vết và xử lý càng thêm phức tạp.

Còn theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng đang đối mặt với nhiều thách thức mới, khi thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi và hệ thống phối hợp chưa đủ chặt chẽ để ứng phó.

Thực tế cho thấy, cho đến nay, công tác giám định chất lượng hàng hóa – đặc biệt với các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe như thực phẩm, dược phẩm – vẫn đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực chuyên môn và trang thiết bị. Thời gian kiểm nghiệm kéo dài, quy trình phức tạp khiến việc xử lý vi phạm thường bị chậm trễ.

Đó là chưa kể đến lỗ hổng trên sàn thương mại điện tử vẫn tồn tại. Hiện trên các sàn như Shopee, Lazada…không khó để tìm thấy hàng chục nghìn gian hàng có dấu hiệu bán hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, việc truy xuất danh tính người bán còn hạn chế, khiến cơ quan chức năng gặp khó trong xử lý hành chính và răn đe vi phạm.

Không chỉ mạnh tay xử lý, mà còn cần siết công nghệ

Để tăng hiệu quả chống hàng giả, nhiều chuyên gia và cơ quan chức năng cho rằng cần một chiến lược toàn diện, kết hợp cả giải pháp hành chính nghiêm khắc với những biện pháp truyền thông và công nghệ hiện đại.

Trong đó, trước hết cần tăng cường kiểm tra đột xuất và hậu kiểm, đặc biệt vào các dịp cao điểm như lễ, Tết – thời điểm hàng giả có xu hướng bùng phát mạnh. Cùng với đó, xử lý nghiêm một số vụ điển hình để tạo sức răn đe xã hội, thay vì chỉ tập trung xử phạt hành chính nhỏ lẻ.

Song song với đó, chúng ta cần xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa quản lý thị trường, hải quan và các đơn vị logistics. Một hệ thống cảnh báo sớm sẽ giúp phát hiện nhanh các hành vi gian lận, ngăn chặn từ gốc thay vì để hàng hóa tràn ra thị trường rồi mới xử lý. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm cần được dán QR code, dữ liệu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng. bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cần chịu trách nhiệm xác minh danh tính người bán và phối hợp xử lý vi phạm, thay vì đứng ngoài cuộc như hiện nay.

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất hàng nhái tại huyện Quốc Oai

Một yếu tố quan trong nữa cần lưu tâm là đầu tư nâng cao năng lực giám định chất lượng hàng hóa, đặc biệt với các phòng thí nghiệm kiểm nghiệm nhanh. Cần ưu tiên trang thiết bị hiện đại cho các ngành hàng nhạy cảm như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm – nơi mà sự chậm trễ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Cuối cùng, tuyên truyền pháp luật và vận động cộng đồng kinh doanh là giải pháp mềm nhưng mang tính bền vững. Những mô hình vận động doanh nghiệp tự giao nộp hàng vi phạm như ở La Phù (Hà Nội) không chỉ góp phần làm giảm vi phạm mà còn nâng cao nhận thức xã hội về hậu quả pháp lý và đạo đức của hành vi buôn bán hàng giả.

Cuộc chiến chống hàng giả, buôn lậu tại Hà Nội trong nửa đầu năm 2025 đã ghi nhận những kết quả ấn tượng với hàng nghìn vụ xử lý nghiêm, số tiền xử phạt lớn và tác động xã hội tích cực. Tuy nhiên, để đưa thị trường Thủ đô thực sự vươn lên tầm cao trong quản lý chất lượng hàng hóa, cần tiếp tục triển khai giải pháp toàn diện, từ luật pháp, kiểm tra thực thi đến công nghệ và nâng cao ý thức người dân. Với tinh thần kiên quyết, không khoan nhượng, từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử đều phải là "địa chỉ xanh" – nơi hàng giả không còn đất sống.

Các tin khác