Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, sau hơn 1 ngày triển khai, nhiều nơi, các hàng quán thực hiện nghiêm nhưng cũng có những nơi làm theo kiểu “đối phó”.
Hàng ăn đóng cửa, hàng nước... bình thường
Thực hiện quy định tạm đóng cửa để phòng chống dịch, các cửa hàng ăn trên phố ẩm thực (phố Tống Duy Tân) vắng lặng, không một bóng khách, trái ngược với sự nhộn nhịp thường ngày. Chủ một cửa hàng ăn trên phố này chia sẻ, trong thời gian dịch diễn biến phức tạp ý thức của người dân là điều rất quan trọng trong việc phòng chống dịch.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, phần lớn các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vỉa hè, quán cà phê... đều thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, trên một số tuyến phố như Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), một số cửa hàng ăn uống vẫn tổ chức đón khách, bàn ăn không có vách ngăn; một số quán cà phê trên đường Lê Trọng Tấn vẫn mở cửa đón khách. Trên địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, một số quán cà phê nằm trong hẻm nhỏ vẫn hoạt động bình thường. Chủ quán chỉ yêu cầu khách ngồi giãn cách và đeo khẩu trang.
Trong khi đó, đường Đê La Thành và Nguyễn Thái Học, trong các ngõ hẹp vẫn còn nhiều quán trà đá. Nhiều hàng quán đối diện với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trên phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm), người dân thường xuyên tụ tập đông tại các hàng nước ven đường. Đặc biệt, trước cổng bệnh viện luôn có hàng chục người tập trung, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đền, chùa tạm đóng cửa
Thực hiện yêu cầu của UBND TP Hà Nội, các di tích, danh thắng, đền chùa ở Hà Nội cũng đều đồng loạt dán thông báo tạm dừng phục vụ. Tại đền Quán Thánh, dù tạm thời đóng cửa nhưng bên ngoài vẫn có một vài người dân đến vái vọng từ xa cầu mong một năm sức khỏe, bình an. Xung quanh khu vực chùa Trấn Quốc cũng vậy, dù chùa tạm thời đóng cửa để phòng dịch, nhưng bên ngoài cổng chùa nhiều người dân vẫn đến tỏ lòng thành kính từ xa và chụp ảnh lưu niệm.
Anh Hoàng Minh (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, khác hẳn với cảnh đông đúc, tấp nập trong những ngày đầu năm mới, Phủ Tây Hồ thời gian này vắng khách thập phương. Hàng quán bán đồ lễ, viết sớ… quanh khu vực này vẫn mở nhưng gần như không có khách. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám quang cảnh cũng vắng lặng.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết, trước mùa lễ hội, mọi công tác phòng chống dịch đã được triển khai quyết liệt. Những yêu cầu về đo thân nhiệt, khử khuẩn, đeo khẩu trang… được thực hiện nghiêm. Khu vực cho chữ của các ông đồ cũng được trang bị thêm màng chắn giọt bắn để giảm nguy cơ lây nhiễm khi giao tiếp… Tuy nhiên, so với những mùa lễ hội trước, những ngày đầu năm mới lượng du khách đi lễ và du xuân giảm rất nhiều. Thực hiện nghiêm yêu cầu đóng cửa các di tích, danh thắng, từ sáng 16-2, trung tâm đóng cửa, dán thông báo tạm dừng phục vụ để đảm bảo yêu cầu chống dịch và chỉ có một số rất ít người dân chưa nắm bắt thông tin kịp thời hoặc có việc đi ngang qua, ghé vào vái vọng.
Chùa Hương - một trong những nơi lễ hội mùa xuân có quy mô và thời gian kéo nhất miền Bắc - trong những ngày này đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để dừng tổ chức lễ hội, đảm bảo phòng chống Covid-19. Thời điểm này, UBND xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã thành lập các tổ, đội tuyên truyền cho du khách và nhân dân tạm thời không đón khách về tham quan, chiêm bái, lễ Phật ít nhất đến ngày 15 tháng Giêng năm Tân Sửu. Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hương Sơn (chùa Hương), cũng cho biết, các hoạt động lễ hội tại Khu di tích danh thắng chùa Hương đều tạm dừng từ trước tết. Ban quản lý đã thông báo rộng rãi về việc hủy lễ khai hội chùa Hương năm nay từ nhiều ngày trước.