Động lực tăng trưởng 2016-2020

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015 và 5 năm 2011-2015, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) 2016 đạt 6,7%; giai đoạn 2016-2020 từ 6,5-7%/năm; thu nhập bình quân đầu người 3.750USD/năm. Mục tiêu này hoàn toàn đạt được nếu quá trình hội nhập, cải cách thể chế kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thuận lợi hóa môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015 và 5 năm 2011-2015, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) 2016 đạt 6,7%; giai đoạn 2016-2020 từ 6,5-7%/năm; thu nhập bình quân đầu người 3.750USD/năm. Mục tiêu này hoàn toàn đạt được nếu quá trình hội nhập, cải cách thể chế kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thuận lợi hóa môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh.

Khả thi mục tiêu GDP 6,5-7%

 

Bàn về mục tiêu tăng trưởng 5 năm tới, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, cho rằng kế hoạch phát triển KT-XH 2016-2020 được xây dựng dựa trên bối cảnh nền kinh tế có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực trong năm 2015.

 Mục tiêu tăng GDP 6,5-7%/năm hoàn toàn có thể thực hiện được nếu tận dụng tốt những cơ hội từ hội nhập mang lại. Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, cơ hội Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại trong những năm tới rất rộng lớn. Thị trường xuất khẩu được mở rộng ra các nước ASEAN và 12 quốc gia tham gia TPP. Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan theo các cam kết từ AEC và TPP là cơ hội để hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực.

Tuy nhiên, lợi thế này chỉ thành hiện thực khi các DN thật sự nỗ lực để đưa sản phẩm xuất khẩu Việt Nam đến với các thị trường có ưu đãi thuế quan. Để tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan từ các FTA, DN cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu, gắn với hoạt động đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN), cải tiến kỹ năng sản xuất của DN.

Bởi thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều DN nội địa chưa thật sự quan tâm đầu tư cho KHCN. Khảo sát khoảng 300 DN hoạt động tại Thừa Thiên - Huế cho thấy gần 80% DN chưa có nhu cầu phát triển KHCN. Vì vậy các DN rất khó cạnh tranh trong môi trường hội nhập.

Theo GS.TS Đặng Đình Đào, cần khắc phục điểm nghẽn kết nối hạ tầng để hội nhập thành công. Trên thế giới không có quốc gia nào đầu tư cả trăm ngàn tỷ để xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh lại không đầu tư hệ thống logistics để kết nối và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư dự án. Để tháo điểm nghẽn về hạ tầng cần có sự kết nối giữa hạ tầng giao thông, CNTT và hệ thống dịch vụ thương mại trên tuyến.

Còn theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm tới không quá cao, nhưng với tình hình biến động kinh tế hiện nay không thể khẳng định chắc chắn được. Động lực tăng trưởng chính là khu vực DN, đặc biệt là DN dân doanh. Quá trình cải cách DNNN cần được đẩy mạnh để tạo sân chơi bình đẳng trong kinh doanh. Để thúc đẩy sự phát triển khu vực DN dân doanh rất cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của Nhà nước với vai trò giá đỡ giúp khu vực DN tư nhân tự thay đổi, tự cơ cấu lại để phát triển. Cần nâng cao vai trò của khu vực tư nhân tương xứng với đóng góp và hiệu quả ngày càng tăng của nó trong nền kinh tế.

Tạo sân chơi bình đẳng

Đà  phục hồi vững chắc của kinh tế hiện nay, cùng với cú hích từ hội nhập và cam kết cải cách hành chính mạnh mẽ từ Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, mục tiêu tăng trưởng 5 năm tới khoảng 7% hoàn toàn có thể đạt được. Sức ép cải cách môi trường kinh doanh từ bên trong cộng với cú hích hội nhập bên ngoài sẽ tạo đà cho tăng trưởng mạnh mẽ.

TS. Trần Đình Thiên,
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng để đảm bảo động lực tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa khu vực DN FDI và DN dân doanh trong nước.

Bởi lẽ hiện nay DN tư nhân và người kinh doanh trong nước không có được một sân chơi bằng phẳng như khối ngoại. Thời gian qua tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng lên nhanh chóng, nhưng tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này lại không tăng đáng kể.

Cụ thể chỉ tăng 4,3%, từ 15,2% năm 2005 và 19,5% năm 2013. Mặt khác, dù xuất khẩu nhiều nhưng khu vực FDI cũng nhập khẩu lớn nguyên vật liệu. Điều này cho thấy hàm lượng Việt Nam trong giá trị xuất khẩu của khu vực FDI rất thấp. Các DN FDI chủ yếu làm gia công rồi xuất khẩu nhưng lại được nhiều ưu đãi, còn những sản phẩm sản xuất trong nước hầu như không được ưu đãi.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định đến nay xu hướng đóng góp của khu vực tư nhân vào cơ cấu GDP tăng rõ ràng, với một nền kinh tế thị trường đầy đủ đây là điều hoàn toàn bình thường. Điều đáng lưu ý ở đây, trong khu vực tư nhân tỷ lệ đóng góp phần lớn nghiêng về DN FDI. Các chuyên gia cũng dự báo trong 5 năm tới khu vực DN FDI vẫn đóng góp rất lớn vào giá trị tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên cần xoay chuyển thu hút đầu tư FDI hướng đến các chuỗi cung ứng sản xuất có sự tham gia nhiều hơn của DN nội và hướng đến công nghệ cao. Cần tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa DN FDI và khu vực DN tư nhân trong nước. Điều này không đồng nghĩa với việc hạn chế sự phát triển của khu vực FDI mà cần hỗ trợ để khu vực DN tư nhân trong nước phát triển tương xứng. Sự  phục hồi của khu vực DN tư nhân trong nước sẽ đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, cần tính đến các tác động tiêu cực từ bên ngoài, đặc biệt từ những biến động từ các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil. Đặc biệt là tác động từ dấu hiệu “hạ cánh” của nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đưa đến những cú sốc, vì vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc là những thay đổi mang tính cơ cấu, cần nhiều thời gian, thậm chí rất đau đớn.

Các tin khác