UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các huyện, TP Long Khánh và TP Biên Hòa tổ chức kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước, đánh giá khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phòng chống hạn mặn, cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh trong mùa khô 2019 - 2020.
Căn cứ tình hình nguồn nước, khả năng đảm bảo cấp nước, các địa phương tiếp tục điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn liên quan đến thời vụ và tổ chức sản xuất để hạn chế nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Nhiều khu vực, địa phương ở Việt Nam đang bước vào mùa khô hạn. Ảnh minh họa: NGỌC OAI
Ngoài ra, các sở, ngành liên quan và các địa phương cũng cần thực hiện nhiều giải pháp như: triển khai các biện pháp cần thiết để có thể lấy nước chủ động; tăng cường tích trữ nước cho các hồ, ao, vùng trũng; tổ chức lắp đặt, quan trắc, dự báo lượng nước về các hồ chứa và chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan liên quan theo quy định; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân chủ động thực hiện biện pháp tích trữ nước, tiết kiệm nước; tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Hiện nay, dung tích nước tại các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ đạt khoảng 63,8% so với tổng dung tích hồ; mức nước tại sông, suối trên địa bàn tỉnh cũng ở mức thấp; lưu lượng dòng chảy của các sông, suối nhỏ đạt khoảng 72% so với cùng thời kỳ năm 2019 và độ mặn tại khu vực Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch) đang ở mức 5,5‰.
Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ tháng 3 đến tháng 6, lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm và nhiệt độ trung bình từ tháng 2 đến tháng 6 cũng cao hơn trung bình nhiều năm và so với cùng kỳ năm ngoái (cao hơn từ 0,5-1,5°C).
- Nhận định về tình trạng hạn mặn ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho người dân khu vực TPHCM, Tổng Giám đốc Công ty CP B.O.O nước Thủ Đức Lê Phúc Hiền cho biết, công ty chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch cho người dân khu vực quận 2, 4, 7, Thủ Đức và huyện Nhà Bè với công suất xử lý 300.000m3/ngày đêm.
Hiện tại, chất lượng nguồn nước thô lấy từ sông Đồng Nai để xử lý thành nước cấp sinh hoạt cho người dân trên địa bàn TPHCM của đơn vị vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn. Kết quả quan trắc độ mặn của công ty trong những ngày qua cho thấy, nồng độ mặn của chất lượng nước thô vẫn duy trì ở mức cho phép.
Trong thời gian tới, tình trạng xâm nhập mặn ở sông Đồng Nai cũng khó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước thô của đơn vị. Bởi trước đó, công ty đã làm việc với đơn vị vận hành hồ chứa nước Trị An.
Trong trường hợp nước mặn xâm nhập sâu hướng về vùng thượng lưu thì đơn vị vận hành hồ chứa nước Trị An sẽ xả nước để rửa mặn. Đơn vị đang chứa lượng lớn nước dự trữ phòng hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo cung ứng nước cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vực hạ lưu.