Người lắng nghe: Lời thì thầm đi sâu khai thác bất ổn tâm lý của con người
Trông người...
Trong một bài báo gửi cho tờ Counseling Today, Bronwyn Robertson, một thành viên của American Counseling Association (Hiệp hội Tham vấn tâm lý Hoa Kỳ), dẫn chứng về trường hợp một chàng trai từng bị khủng hoảng đến mức hoảng loạn nhưng sau khi được xem những thước phim với hình ảnh và âm thanh cảm động, sự lo lắng tan biến.
“Điện ảnh có thể là một chất xúc tác mạnh mẽ, có tính biến đổi. Với tư cách là một cố vấn chuyên nghiệp, tôi nhận thấy việc sử dụng chất xúc tác (còn được gọi là liệu pháp điện ảnh) có thể có hiệu quả sâu sắc với ngay cả những khách hàng gặp khó khăn hoặc phản kháng nhất”, cô chia sẻ.
Robertson đã sử dụng những bộ phim cổ điển từ năm 1939 như The Wizard of Oz cho đến series truyền hình khoa học trinh thám nổi tiếng năm 1993 The X-Files với hơn 1.000 bệnh nhân của mình trong độ tuổi từ 3-70. Theo Robertson, xem phim có thể kích hoạt các vùng não liên quan đến xử lý cảm xúc, phản xạ, giải quyết vấn đề và đồng cảm.
Còn theo chuyên gia Howard Pratt đến từ Community Health of South Florida, Inc: “Trong vài giờ, bộ phim phù hợp có thể giúp nâng cao tinh thần. Phim cho chúng ta thấy những góc nhìn khác nhau về cuộc sống. Bằng cách này, câu chuyện của một bộ phim cho phép chúng ta tiếp cận với những trải nghiệm và cảm xúc có thể giúp bản thân cảm thấy tốt hơn”.
Trên thực tế, nhiều bộ phim nổi tiếng: Silver Linings Playbook (2012), Inside Out (2015), It’s A Wonderful Life (1946), 500 Days Of Summer (2009), As Good As It Gets (1997), hay mới nhất là Everything Everywhere All at Once… đều mang đến những nguồn năng lượng tích cực. Tuy nhiên, khái niệm phim chữa lành đặc biệt phổ biến với khán giả Việt thời gian gần đây sau sức ảnh hưởng của các bộ phim Hàn Quốc: Điệu Cha-cha-cha làng biển, Hospital Playlist, Điên thì có sao, Khi hoa trà nở...
Đạo diễn Khoa Nguyễn (phim Người lắng nghe: Lời thì thầm) chia sẻ: “Tôi nghĩ điều này hoàn toàn hợp lý khi đặt trong bối cảnh toàn cầu vài năm gần đây trải qua quá nhiều biến động, đặt biệt giai đoạn 2019-2021, khi dịch Covid-19 lan rộng và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống. Chính thực tế này khiến nhu cầu cần được xem những bộ phim nhẹ nhàng, tinh tế, đi sâu vào đời sống tình cảm, nội tâm của con người ngày càng tăng cao, thay thế cho những dòng phim nặng nề về bạo lực, chiến tranh, hoặc các bộ phim tình cảm khiến người xem mệt mỏi”.
Dè dặt
Trong số các dự án phim Việt đã công bố, Tọa độ hạnh phúc là bộ phim đầu tiên đề cập trực diện đến thông điệp chữa lành. Đại diện ê kíp phim lý giải: “Thông điệp chữa lành trong phim không phải là những điều đao to búa lớn. Những vấn đề hay khủng hoảng tâm lý của người trưởng thành trong bộ phim đều xuất phát từ câu chuyện có thật. Từ đó, thông điệp sau mỗi tập phim đơn giản và dễ hiểu”.
Biên kịch Trần Khánh Hoàng cũng nhấn mạnh chất chữa lành trong phim còn đến từ hành trình mỗi nhân vật trải qua: cảnh đẹp, món ăn ngon, những nét văn hóa hay, mới lạ và những câu chuyện tình người không đoán trước trên mỗi chuyến đi.
Tuy nhiên, theo đạo diễn Khoa Nguyễn, riêng ở thị trường phim Việt, vài năm gần đây, các nhà làm phim vẫn chuộng những thể loại quen thuộc như hài, hành động, tâm lý… “Có vẻ các nhà làm phim Việt khá ngại khai thác đề tài mới, đặc biệt đề tài còn kén người xem như chữa lành”, anh bày tỏ.
Nguyên nhân được anh đưa ra là khán giả Việt vẫn chuộng xem các bộ phim tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, thanh xuân vườn trường, hơn là các bộ phim đi sâu vào các vấn đề nội tâm để chia sẻ và chữa lành. Ở phương diện nhà sản xuất, kịch bản cũng là thách thức không nhỏ, nó phải vừa hấp dẫn, vừa có được sự đúng đắn về mặt khoa học. Để có được cả hai đã khó, dung hòa được càng khó hơn.
Dù không phổ biến và tạo thành một dòng phim chủ đạo, nhưng chất chữa lành đã ít nhiều được thể hiện qua một số bộ phim thời gian qua. Có thể kể đến Về nhà đi con, hay Gạo nếp gạo tẻ với những câu chuyện gia đình gần gũi. Bộ phim Thương ngày nắng về sau rất nhiều những kịch tính, căng thẳng, là sự thứ tha, bao dung giữa các thành viên trong gia đình.
Câu nói của bà Nga (NSƯT Thanh Quý) trong tập 52: “Xin lỗi là việc của ông ấy. Tha thứ là của mẹ”, khiến khán giả cảm thấy dịu mát. Bộ phim vừa kết thúc trên sóng cách đây không lâu Lối nhỏ vào đời cũng mang đến thông điệp về sự thấu hiểu và sẻ chia. Đây cũng là hai khía cạnh đang được bộ phim Giấc mơ của mẹ khai thác. Nói như đạo diễn Nguyễn Minh Chung: “Tôi mong bộ phim có thể giúp cho con cái thêm yêu bố mẹ, gia đình hơn và các bậc làm cha mẹ có suy nghĩ tích cực hơn với con”.
Đạo diễn Khoa Nguyễn cho rằng, hy vọng làn sóng này sẽ lan được đến thị trường phim Việt, để nền phim ảnh nước nhà không bị bỏ ngỏ một đề tài phim có ý nghĩa xã hội và giá trị nhân văn.