Sông từ đó chảy theo hướng Đông qua ranh giới các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy (Chiêm lũy lịch môn).
Sông Trà Khúc dài khoảng 135km, trong đó khoảng một phần ba chiều dài sông chảy qua vùng núi và rừng rậm, có độ cao 200-1.000m, phần còn lại chảy qua vùng đồng bằng. Đây là con sông có độ dốc lớn, đầu nguồn của sông có công trình thủy lợi Thạch Nham, nên khi chảy về hạ lưu ở địa bàn thành phố Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa và huyện Sơn Tịnh, nguồn nước trở nên cạn kiệt. Mùa mưa sông thường gây lũ lớn.
Dòng sông hơn bốn mươi năm trước khi tôi còn là một thằng bé học tiểu học, đã để lại biết bao ký ức. Mùa hè dòng sông xanh ngắt, nước chảy lặng lờ. Hồi ấy phần lớn nhà trong thôn, xóm đều nuôi bò, nhiệm vụ của những đứa trẻ trong gia đình là chăn bò và ra đồng, bãi cắt cỏ cho bò ăn.
Những đứa trẻ chăn bò đều phải biết bơi để bơi theo đàn bò từ bờ bên này sang bờ bên kia sông kiếm cỏ. Khi những cơn mưa lê thê, sấm chớp đì đùng, là lúc báo hiệu dòng sông chuẩn bị đón những cơn lũ dữ. Hầu hết các cơn lũ đều xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến hết tháng 10 Âm lịch.
Khi lũ về, người dân kéo nhau đi bắt cá bằng các công cụ như rớ, nhức (là những mảng lưới to như cái nón úp lại thả xuống chỗ nghi ngờ có cá tụ về, vài ba phút kéo lên một lần). Đầu nguồn suối, rừng hồi đó chưa bị bàn tay con người tàn phá, nên mỗi khi lũ về cá rất nhiều. Người ta bảo, những con cá ấy sống trong các con suối ở đầu nguồn, khi lũ ập đến kéo đàn cá ra sông trôi về xuôi.
Cùng với lũ là từng mảng cành cây khô từ đầu nguồn đổ về. Khi cơn lũ vừa rút nước, cả làng kéo nhau đi hốt về làm củi. Cơn lũ đi qua để lại lớp phù sa dày trên những cánh đồng, bãi bồi, sẵn sàng cho những mùa vụ tốt tươi của năm sau.
Sông Trà Khúc
2 Bốn mươi năm đi qua, theo thời gian, biến chuyển của cuộc sống, quá trình đô thị hóa, dòng sông có quá nhiều thay đổi, kéo theo sự thay đổi của cả một vùng miền. Bây giờ không cần vào mùa khô, mùa giáp Tết, nghĩa là lúc dòng sông vừa bước qua những trận lụt của năm và những cơn mưa triền miên, nhưng trên con sông có những đoạn mọi người có thể đi từ bờ bên này sang bờ bên kia. Dòng sông cũng không còn mang phù sa cho đồng bằng, cá tôm từ thượng nguồn về dưới xuôi hay những bè gỗ, bè củi… từ những trận lụt như xưa.
Bây giờ lụt ít hẳn, nhưng nếu có lụt những sản vật mùa lụt cũng không còn, vì ở đầu nguồn con người vơ vét không còn thứ gì. Rừng cạn kiệt, núi non bị cày xới, những đàn cá trước kia trú ngụ trong những hang đá, dòng suối cả năm chờ nước lũ mới thoát về xuôi, nay người ta tận diệt khi chúng còn bé xíu…
Những sản vật của dòng sông tạo nên “thương hiệu” cho tỉnh nhà như cá bống sông Trà, don, cá thày bai… giờ cũng rất hiếm hoặc không còn nữa. Trước kia, tháng chạp, thời điểm dân làng hay đem giường chiếu ra sông giặt giũ, giờ cũng không còn nữa vì nước cạn kiệt.
Dọc hai bờ sông ngày trước là những bãi cát trắng, bãi bói, lãi lùng (một dạng cỏ để làm thức ăn cho trâu bò) và những lũy tre xanh ngút ngàn. Sau mùa lũ những người nông dân được hợp tác xã chia đất tổ chức dọn đất để trồng trọt cho một mùa vụ mới, chủ yếu là trồng khoai, dưa, đậu. Nhưng nay hai bên bờ sông Trà, những hình ảnh này dường như không còn.
Những lũy tre hai bên bờ sông cũng hầu như biến mất, thay vào đó là những con đường nhựa, bê tông cắt ngang, dọc để nối vào trục đường từ thành phố Quảng Ngãi chạy dọc bờ sông về biển Mỹ Khê, hướng về Khu kinh tế Dung Quất. Dọc trục đường này là quán xá, nhà cao mọc lên, nét thuần nông không còn nữa. Những căn nhà ống xuất hiện từ lúc nào, có những gia đình nuôi bò nhưng nhà chật quá phải làm chuồng ở phía sau, mỗi khi dắt bò đi ăn phải đi ngang… phòng khách.
Quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh với những dự án bất động sản lần lượt mọc lên, những cái tên như DX, FLC, PD… không còn xa lạ với những người nông dân nơi đây. Nhiều cây cầu bắc ngang dòng sông đã biến ước mơ bao đời của người nông dân nơi đây trở thành hiện thực. Nhưng trớ trêu thay, khi “niềm vui hai bờ sông được nối liền”, cũng là lúc đất nông nghiệp lần lượt bị thu hồi để giao cho doanh nghiệp.
Người nông dân dần co cụm trong những căn nhà chật hẹp, tư liệu sản xuất - đất - ngày càng co cụm. Phần lớn trai tráng trong làng phải đi xa để kiếm việc làm lo cho cuộc sống gia đình ở quê. Dòng sông Trà bây giờ chỉ là những bãi cát trơ đáy.
Mới đây chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định đầu tư xây dựng bờ chặn dòng ở phần hạ lưu sông để giữ nước, tạo cảnh quan cho dòng sông. Nhưng công trình này cũng đã gặp nhiều ý kiến từ các nhà khoa học, nhất là sự xâm mặn khi dòng chảy của sông bị chặn lại…