Đông - Tây khẩn cấp chống dịch

(ĐTTCO)-Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, ngày 12-3, hàng loạt quốc gia từ Đông sang Tây đã công bố các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các chính phủ trên thế giới khẩn trương tăng cường chống dịch Covid-19.
Đeo khẩu trang cho tượng tại festival Fallas (đã bị hủy bỏ bởi dịch Covid-19) ở Tây Ban Nha
Đeo khẩu trang cho tượng tại festival Fallas (đã bị hủy bỏ bởi dịch Covid-19) ở Tây Ban Nha

Ban bố tình trạng khẩn cấp

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đình chỉ mọi chuyến bay từ các nước châu Âu, ngoại trừ Anh, trong vòng 30 ngày và có hiệu lực từ ngày 13-3. Theo ông Donald Trump, các nước châu Âu đang ghi nhận số ca nhiễm tăng do chính phủ các nước đã thất bại trong việc ngăn các chuyến đi từ Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, ông Donald Trump cũng hối thúc Quốc hội nước này thông qua các biện pháp giảm thuế trong bối cảnh kinh tế đang chịu tác động lớn của dịch. Ông Donald Trump tuyên bố sẽ chỉ thị cho Bộ Tài chính Mỹ hoãn thu thuế đối với các cá nhân và doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của dịch bệnh và có thể sẽ bơm hơn 200 tỷ USD vào nền kinh tế.

Nhiều thành phố lớn của Mỹ cấm tổ chức cũng như hủy bỏ các sự kiện hay các cuộc họp đông người. Các doanh nghiệp lớn như Google và Twitter cho phép nhân viên được làm việc tại nhà..

Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo ngừng tất cả hoạt động thương mại, trừ các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Thủ tướng Conte cho rằng các biện pháp này có hiệu quả, sẽ phải tiến hành trong nhiều tuần.

Nhằm tránh nguy cơ xảy ra tình trạng tương tự như ở Italy, các nước như Hungary, Ba Lan, Slovakia... cũng bắt đầu triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Chính phủ Hungary đã ban hành sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, trong đó áp dụng các biện pháp khẩn gồm cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ 4 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch gồm Italy, Hàn Quốc, Iran và Trung Quốc; cấm tổ chức các sự kiện trong nhà có trên 100 người tham gia và các sự kiện ngoài trời có từ 500 người tham gia; đóng cửa các trường đại học.

Ba Lan thì quyết định đóng cửa tất cả các cơ sở giáo dục và văn hóa trong 2 tuần. Chính phủ Slovakia cũng công bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ ngày 12-3, trong đó nhấn mạnh đến quyền yêu cầu các công ty bán lại các trang thiết bị y tế cho nhà nước và cấm xuất khẩu ra nước ngoài; những người đến Slovakia từ Italy, Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran phải thực hiện cách ly 14 ngày...

Chuẩn bị “kịch bản tồi tệ”

Saudi Arabia đã quyết định tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ một số quốc gia như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ, Ấn Độ, Pakistan..., đồng thời cấm nhập cảnh đối với những người đến từ các quốc gia nêu trên. Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu ra chỉ thị hạn chế tổ chức các sự kiện có từ 100 người trở lên tham dự.

Bên cạnh đó, ông Netanyahu khuyến cáo người dân Israel thay đổi thói quen hàng ngày để phòng chống dịch, chẳng hạn như tránh bắt tay, thường xuyên rửa tay và vệ sinh cá nhân, lấy khăn che miệng và mũi khi hắt hơi. Chính phủ Israel đang cân nhắc đóng cửa các trường đại học và chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Hạ viện Nhật Bản ngày 12-3 đã thông qua dự luật sửa đổi luật đặc biệt về phòng chống dịch cúm năm 2013, cho phép Thủ tướng ban bố tình trạng khẩn cấp nếu dịch Covid-19 lây lan với tốc độ nhanh và tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế. Dự luật này sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm và dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua trong phiên họp toàn thể vào ngày 13-3.

Trong khi đó, chính quyền TP Jakarta (Indonesia) cho biết, TP này đã chuẩn bị kịch bản “tồi tệ nhất” với 6.000 trường hợp nhiễm Covid-19. Theo Thống đốc Jakarta Anies Baswedan, Indonesia sẽ áp dụng mô hình phòng chống dịch bệnh lây lan được các nước như Singapore, Việt Nam và New Zealand triển khai, theo đó triển khai biện pháp phòng ngừa, cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV ngay từ đầu để có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ngừng hoạt động đi lại bằng đường không, đường biển và đường bộ nội địa đến và đi từ thủ đô Manila, cũng như các biện pháp cách ly cộng đồng, mà ông gọi là “phong tỏa” thủ đô để ngăn chặn sự lây lan của CoVid-19.

Các tin khác