Cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang ngày càng củng cố quan điểm rằng EUR không nên tồn tại và một liên minh tiền tệ của 17 quốc gia không có nhiều điểm chung sẽ rất khó hoạt động hiệu quả.
Trong bài viết trên tờ Jakarta Globe mới đây, chuyên gia kinh tế Paul Donovan, thuộc Ngân hàng Đầu tư UBS, cho hay các nhà kinh tế dường như thống nhất rằng châu Âu không thể tránh khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, song họ còn chia rẽ về việc liệu châu lục này có thoát ra khỏi được không và thoát bằng cách nào.
Theo các nhà kinh tế EUR xem ra không nên tồn tại. Bởi một khi đã tồn tại thì cái giá của sự sụp đổ sẽ rất khủng khiếp, bởi chỉ riêng với Hy Lạp, quy mô của nền kinh tế này sẽ bị thu hẹp còn một nửa. Đó là một thiệt hại lớn gấp nhiều lần so với những gì châu Á đã trải qua trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998.
Nếu từ bỏ EUR Đức sẽ thiệt hại 1/4 nền kinh tế, chưa kể mất mát về mặt chính trị. Thiệt hại kinh tế (và thất nghiệp) sẽ là tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Những người cực đoan còn cho rằng, "đau đớn kinh tế" có thể dẫn tới mọi điều có thể, từ bất ổn xã hội lan rộng đến chính quyền quân sự, thậm chí nội chiến.
Theo ông Donovan, không có liên minh tiền tệ nào sống sót mà không có một liên minh tài chính cùng với nó. Rất tiếc là chính trị của hội nhập tài chính của châu Âu đang diễn ra không suôn sẻ. Ông cho rằng, Eurozone còn phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng trong những năm tới - điều mà châu Á cần quan tâm vì hai hai lý do thương mại và đầu tư.
Châu Á hiện có trao đổi thương mại lớn với châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) với 27 thành viên là nền kinh tế lớn nhất chiếm 27% GDP của thế giới, so với tỷ lệ 23% GDP của Hoa Kỳ. Châu Á (trừ Nhật Bản và Australia, nhưng bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ) chiếm 18% nền kinh tế thế giới.
Châu Á xuất khẩu 541 tỷ USD sang EU trong năm 2010. Châu Âu hấp thụ 16% kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của châu Á. Đó là những con số không thể bỏ qua, cho thấy châu Âu là một nguồn quan trọng đối với nhu cầu xuất khẩu của châu Á. Hay cũng có nghĩa là nếu EUR sụp đổ châu Á sẽ phải tự tìm nhu cầu trong chính mình để thay thế cho nhu cầu Eurozone - một điều phi thực tế.
Ngoài ra, Eurozone rõ ràng là một nhà đầu tư quan trọng vào châu Á trong những năm gần đây. Cuộc khủng hoảng thị trường tài chính trong Eurozone nếu ngày càng trầm trọng, sẽ buộc các chính phủ tại đây tăng điều chỉnh lĩnh vực tài chính, và rất có thể một số chính sách của hai thập kỷ qua đã tự do hóa dòng vốn, có thể được đảo ngược. Những gì sẽ xảy ra với đồng euro sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và các thị trường châu Á.
Châu Á phải thay đổi để đáp ứng những thách thức của một cuộc khủng hoảng Eurozone - dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa và dựa nhiều hơn nữa về vốn trong nước.