Tháng 5 là khoảng thời gian thị trường chứng khoán ghi nhận "cơn sóng" xô đổ các kỷ lục sau 20 năm vận hành, và xu hướng tăng trưởng này vẫn tiếp diễn trong những ngày đầu tháng 6. Nhìn lại tháng 5, kỷ lục về lượng tài khoản lập mới bị xô đổ, kỷ lục về thanh khoản bị vượt qua hay kỷ lục mới về chỉ số VN-Index liên tục được thiết lập. Dù vấn đề kỹ thuật của hệ thống giao dịch chưa được giải quyết hoàn toàn nhưng dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào, khiến cho nhiều người bất ngờ.
Chứng khoán là “chỗ trũng” chứa dòng tiền?
Tính từ đầu năm, nhà đầu tư trong nước đã mở 480.490 tài khoản giao dịch chứng khoán mới, cao hơn 20% số lượng mở mới cả năm 2020 trước đó (393.659 tài khoản). Với lượng tài khoản này, dòng tiền từ trong nước góp sức đẩy các chỉ số chứng khoán tăng mạnh, bất chấp khối ngoại bán ròng.
Kết thúc tháng 5 vừa qua, nhà đầu tư ngoại bán ròng 11.687 tỷ đồng, nhưng sắc xanh vẫn ngập tràn trên thị trường, vì nhóm nhà đầu tư cá nhân và tự doanh mua ròng tới 11.704 tỷ đồng. Dòng tiền đổ vào chứng khoán nhiều đến nỗi lãnh đạo sàn HoSE phải xin nghỉ phiên chiều 1-6, để đảm bảo tính an toàn của hệ thống.
Tuy vậy, đó vẫn chưa phải là điểm giới hạn của dòng tiền, tới phiên 3-6 kỷ, lục cũ đã bị xô đổ khi thanh khoản trên HoSE đạt hơn 29.000 tỷ đồng (tổng cả ba sàn là gần 37.000 tỷ đồng).
Nếu tính từ đầu năm, thanh khoản chứng khoán đã được cải thiện rất nhiều. Giá trị giao dịch bình quân trên 2 sàn HOSE và HNX hết tháng 5 đã ở mức 20.400 tỷ đồng/phiên, gấp 4 lần cùng kỳ và gấp 3 lần bình quân năm 2020.
Theo đà này, kỳ vọng về phiên giao dịch 2 tỷ đô la cũng được dự báo sẽ đến sớm.
Theo số liệu thống kê kể từ cuối quí I-2020 tới nay, dư nợ cho vay ký quỹ tăng lên gần gấp 3 lần với số liệu được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước công bố gần 110.000 tỷ đồng. Vốn hóa 3 sàn đã gần bằng GDP 2020.
Nhiều nhà đầu tư tham gia, tỷ lệ vay margin (ký quỹ) ở nhiều công ty chứng khoán cả nội lẫn ngoại có nơi vượt trần. Do đó, nhiều công ty phải tăng huy động vốn, tăng vốn điều lệ.
Theo các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán VNDirect, số liệu trên cho thấy chứng khoán đang ngày càng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất huy động đang ở mức thấp và dự kiến không tăng nhiều trong thời gian tới. Cùng với đó, kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng đang bị siết lại, do Nghị định 81 có hiệu lực từ đầu tháng 9-2020.
Thêm một dữ liệu nữa cho thấy dòng tiền chọn chứng khoán thông qua tỷ lệ thu thuế trong lĩnh vực này tăng đột biến từ đầu năm. Theo Cục Thuế TPHCM, số thu thuế từ lĩnh vực chứng khoán tăng đột biến 221,3% trong 4 tháng đầu năm, góp phần đưa số thu thuế thu nhập cá nhân tăng 7,12%.
Tốc độ thu thuế chứng khoán tăng vượt nhiều lần so với các khoản khác như chuyển nhượng bất động sản tăng 83,75% so với cùng kỳ 2020, đầu tư vốn của cá nhân tăng 45,76%, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 10,17%.
Ngoài ra các yếu tố vĩ mô như kinh tế tăng trường dương hay thị trường được nâng hạng triển vọng đang giúp cho cuộc đua của dòng tiền vào chứng khoán nhanh và mạnh hơn trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn tiền nhàn rỗi bị kích thích
Dòng tiền lớn đổ vào chứng khoán, trong khi tỷ lệ huy động vốn của các ngân hàng ở mức thấp khiến nhiều chuyên gia cho rằng một phần dòng tiền gửi tiết kiệm đã được chuyển qua kênh chứng khoán.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính tới hết quí I, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 2,93%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,31% cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng trong quí I cũng cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình 2,78% trong quí I của 7 năm trở lại đây.
Ngược lại, tăng trưởng huy động vốn tính tới hết quí I mới chỉ đạt 0,54%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng và mức trung bình 2,28% trong quí I của 7 năm trở lại đây. Tín hiệu này cho thấy nếu dư nợ tín dụng và huy động vốn duy trì mức tăng trưởng như hiện tại, nhiều khả năng thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ không còn quá dư thừa trong năm 2021 như năm trước đó.
Báo cáo thị trường tiền tệ tuần cuối tháng 5 của SSI Research cho biết lãi suất liên ngân hàng đã tăng 0,03-0,09 điểm %, chốt tuần ở mức 1,36%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,44%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Đây là lợi suất cho vay liên ngân hàng cao nhất từ đầu năm. So với cuối tháng 4, mức này cũng đã cao hơn 0,35-0,53 điểm %.
Chia sẻ với cổ đông trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI, cho rằng nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh từ đầu năm là do lượng tiền chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang thị trường chứng khoán rất lớn. Đây cũng là lý do dù các công ty chứng khoán đã hết margin nhưng thị trường vẫn tăng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường cơ sở đang băng băng tiến về ngưỡng 1.400 điểm, với quán tính tăng ngày càng mạnh mẽ, khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa hạ nhiệt. Nhà đầu tư cũng không mấy bận tâm đến các ngưỡng kháng cự, bởi dòng tiền luôn chờ sẵn để được tham gia.
MBS cho rằng các nhịp rung lắc như trong phiên 3-6 vừa qua vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên việc điều chỉnh này cũng có tác dụng rũ bớt lượng hàng margin, qua đó giúp thị trường tăng bền vững hơn. Những nhà đầu tư chốt lời phiên này cũng là lực cầu tiềm năng khi thị trường đi lên.
Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), dòng tiền vẫn đang đổ mạnh vào thị trường và tâm lý của nhà đầu tư đang rất hưng phấn. Tuy nhiên, SHS cho biết nếu xét trên góc nhìn kỹ thuật thì phiên tăng 3-6 có thể là một đỉnh cao trào.
Đà tăng hiện tại là hơi nóng và thị trường có thể sẽ điều chỉnh trở lại khi mà áp lực bán mạnh xuất hiện.
Nhà đầu tư hạn chế mua đuổi trong bối cảnh hiện tại và tận dụng những nhịp tăng điểm trong phiên để hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn; chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại. Thị trường cho thấy sự lạc quan nhưng với nhiều nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng bởi bài học từ “cơn say” đầu tư của thế hệ F0 năm ngoái vẫn đang còn rất mới.