Đây là lúc TPHCM cần thẳng thắn nhìn nhận lại để chuẩn bị tốt hơn trong đề xuất, thực hiện cơ chế, chính sách mới thời gian tới.
Chi thu nhập tăng thêm góp phần động viên đội ngũ cán bộ công chức gắn bó với công việc. Ảnh: Việt Dũng
Chưa tận dụng hết lợi thế
Nghị quyết 54 sau khi được ban hành đã mang đến nhiều kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển đột phá cho TPHCM. Nghị quyết có hiệu lực từ tháng 1-2018 đến hết năm 2022, trao một số cơ chế đặc thù cho TPHCM với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức.
TPHCM đã tập trung triển khai thực hiện với 21 nội dung, đề án cụ thể, với nội dung đầu tiên là chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Dù chưa thể đạt mức tối đa là 1,8 lần mức lương theo ngạch bậc, nhưng chính sách này phù hợp với năng suất thực tế của người lao động TPHCM - gấp 2,7 lần bình quân chung cả nước, đã tạo động lực, cải thiện đời sống, khuyến khích cán bộ, công chức gắn bó lâu dài.
TPHCM cũng thực hiện được một số công việc như ban hành quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng mức vốn đầu tư hơn 12.900 tỷ đồng; thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên. Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. TPHCM cũng phát hành thành công 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương. UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM cũng ủy quyền 85 đầu việc cho các sở ngành, UBND quận huyện và thủ trưởng các đơn vị.
Bên cạnh một số kết quả khả quan, hầu hết các cơ chế, chính sách đặc thù còn lại, trong đó có cơ chế quản lý tài chính trong Nghị quyết 54 nhằm tăng nguồn thu của TPHCM đều chưa tận dụng được. Đó là nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước. TPHCM cũng chưa thu được từ chính sách cho phép hưởng 50% tiền bán đấu giá tài sản công của cơ quan Trung ương trên địa bàn. Về thu hút chuyên gia, nhà khoa học, Nghị quyết của HĐND TPHCM đã có, UBND TPHCM cũng có quyết định thực hiện, nhưng kết quả còn hạn chế, vẫn chưa có các giải pháp tạo động lực hơn nữa để thu hút chuyên gia, nhà khoa học.
“Quá trình thực hiện, TPHCM đã nhìn thấy còn nhiều việc chưa làm được, thậm chí có thể chưa tận dụng hết 50% cơ chế mà Nghị quyết 54 đề ra”, UBND TPHCM nhìn nhận. Tại kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X diễn ra ngày 6-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng thông tin, UBND TPHCM đang tích cực triển khai các bước chuẩn bị để đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Kỳ vọng của TPHCM là có thể trình để Quốc hội kịp ban hành vào cuối năm 2022.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ TPHCM
Nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện Nghị quyết 54 còn hạn chế có trách nhiệm từ nhiều phía, trong đó có phần trách nhiệm của trung ương. “Vì sao TPHCM có Nghị quyết 54 mà vẫn hạn chế phát triển, là bởi nguồn lực không tăng được nhiều. Hai năm đầu thực hiện quyết liệt nhưng chủ yếu là công tác chuẩn bị. Sau đó, TPHCM có 2 năm đương đầu với Covid-19, đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện Nghị quyết 54”, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, phát biểu tại buổi giám sát của Đoàn ĐBQH TPHCM với UBND TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 54 mới đây.
Chia sẻ với PV Báo SGGP, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhận định, Nghị quyết 54 cho TPHCM 5 năm thực hiện, thì đã có 2 năm TPHCM gồng mình chống dịch. Ngoài ra, cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 quan trọng nhất là cơ chế tài chính để tạo nguồn thu phát triển TPHCM, nhưng các nguồn thu lớn đều gặp khó khăn. Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn vướng, chậm có hướng dẫn từ trung ương. Nghị quyết 54 cho phép TPHCM hưởng 50% tiền bán tài sản công gắn liền trên đất của các đơn vị trung ương quản lý, nhưng các đơn vị cũng thiếu sự hợp tác.
Điều đó đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy các cơ quan trung ương giao tài sản, cùng TPHCM bán đấu giá thu lại vốn cho Nhà nước. “Bên cạnh đó, HĐND TPHCM và Đoàn ĐBQH TPHCM phải giám sát, báo cáo để yêu cầu các cơ quan trung ương hợp tác. Làm được việc này, TPHCM được hưởng 50% để đầu tư hạ tầng và quan trọng hơn là không để lãng phí tài sản, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói và đề xuất, bên cạnh nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù vẫn cần thêm cơ chế hỗ trợ TPHCM thực hiện.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân góp ý thêm, sự thiếu đồng bộ của các quy định, khiến cán bộ công chức có sự e dè nhất định trong thực hiện nhiệm vụ. Vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ở góc độ của địa phương, TPHCM cần cụ thể hóa Kết luận 14 bằng những quy định cụ thể để tạo sự yên tâm cho cán bộ, công chức năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Chủ trì và tham gia các buổi giám sát UBND TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 54, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận thêm vấn đề ở khía cạnh chủ quan. Đó là việc UBND TPHCM chưa chuẩn bị tốt cho các dự án, nên sau khi HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư, thì các quy trình tiếp theo như thu hồi đất, chọn nhà đầu tư, đấu thầu… thực hiện chậm. UBND TPHCM cũng chưa kiên quyết điều chỉnh, hủy bỏ các dự án không thực hiện ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Điều này đòi hỏi phải phân tích và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan nhằm làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách mới để phát triển thành phố. |