Giá dầu tăng hơn 2% sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua thỏa thuận trần nợ ở nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới và dữ liệu việc làm làm dấy lên hy vọng về khả năng tạm dừng tăng lãi suất trước cuộc họp của OPEC+.
Nasdaq ghi nhận tuần tăng thứ 6 liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 701.19 điểm, tương đương 2.12%, lên 33,762.76 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 1.45% đạt 4,282.37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 1.07% lên 13,240.77 điểm, đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 trong suốt phiên.
Với mức tăng trong ngày thứ Sáu, S&P 500 và Nasdaq Composite khép tuần lần lượt tăng 1.8% và 2%, đồng thời giúp Dow Jones quay đầu tiến 2%. Nasdaq Composite ghi nhận 6 tuần tăng liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất của chỉ số này kể từ năm 2020.
Báo cáo việc làm tại Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này tạo ra nhiều việc làm hơn dự báo trong tháng 5, tăng 339,000 việc làm, cao hơn so với dự báo tăng khiêm tốn 190,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones, đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp tăng trưởng việc làm tích cực.
Gần đây, dữ liệu việc làm mạnh mẽ đã gây áp lực lên các cổ phiếu về quan điểm cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất. Tuy nhiên, dữ liệu công bố vào ngày thứ Sáu cũng cho thấy thu nhập trung bình mỗi giờ tăng thấp hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao hơn dự báo.
Terry Sandven, Trưởng bộ phận chiến lược chứng khoán tại U.S. Bank Wealth Management, nhận định cả hai điểm dữ liệu đều khiến nhà đầu tư hy vọng rằng Fed có thể tạm ngừng chiến dịch nâng lãi suất, làm tăng khả năng “hạ cánh mềm” tại cuộc họp chính sách vào cuối tháng này.
Việc giảm bớt những lo ngại xung quanh trần nợ của Mỹ cũng hỗ trợ tâm lý thị trường. Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ vào tối ngày thứ Năm, rồi gửi dự luật này đến bàn Tổng thống Mỹ Joe Biden. Những động thái này diễn ra sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật Trách nhiệm Tài chính vào ngày thứ Tư, chỉ vài ngày trước thời hạn ngày 05/6 mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đặt ra.
Nhà đầu tư chuyển trọng tâm sang OPEC+
Khép phiên, giá dầu Brent tương lai tăng 2,49% lên 76,13 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Hoa Kỳ tiến 2,34% lên 71,74 USD.
Trong tuần, cả hai hợp đồng dầu đã giảm hơn 1% cho khoản lỗ hàng tuần đầu tiên sau 3 tuần.
Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm đình chỉ giới hạn trần nợ 31,4 tỷ đô la của chính phủ Hoa Kỳ, ngăn chặn tình trạng vỡ nợ quốc gia có thể làm rung chuyển thị trường tài chính.
Theo báo cáo cho thấy, việc làm của Hoa Kỳ đã tăng hơn dự kiến vào tháng 5, nhưng việc điều tiết tiền lương có thể cho phép Fed bỏ qua đợt tăng lãi suất trong tháng này lần đầu tiên sau hơn một năm. Lãi suất cao hơn có thể làm chậm nền kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Các nhà giao dịch dầu mỏ đã hướng sự chú ý đến cuộc họp ngày 4/6 của OPEC+. Vào tháng 4 tổ chức này đã bất ngờ thông báo cắt giảm 1,16 triệu thùng mỗi ngày, nhưng mức tăng giá từ động thái đó đã bị xóa bỏ do giao dịch dầu thô dưới mức cắt giảm trước đó. Các nguồn tin nói với Reuters rằng OPEC+ khó có thể công bố cắt giảm sản lượng mới.
Craig Erlam, Nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA cho biết: “Mặc dù dường như có nhiều quan điểm cho rằng OPEC+ sẽ không công bố bất kỳ đợt cắt giảm nào nữa, nhưng điều đáng chú ý là điều này cũng đúng trong cuộc họp lần trước và sau đó nhóm này đã thông báo cắt giảm thêm khoảng một triệu thùng nữa.”
Ông Erlam cũng lưu ý: “Thật khó để phớt lờ những lời cảnh báo từ bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê Út về việc ‘hãy coi chừng’, đe dọa sẽ gây ra nhiều “ảnh hưởng” hơn đối với các nhà đầu cơ ngắn hạn. Điều này có thể khiến các nhà giao dịch lo sợ về một đợt tăng giá khác khi mở cửa vào tuần tới.”
Về phía cầu, dữ liệu sản xuất của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, vẽ nên một bức tranh hỗn hợp.
Trung Quốc đang hứng chịu những đợt nắng nóng sớm, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 6, khiến lưới điện bị căng thẳng khi người tiêu dùng ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến tăng cường sử dụng máy điều hòa nhiệt độ.