S&P 500 giảm kỷ lục so với đầu phiên, Dow mất hơn 300 điểm
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 320,04 điểm, tương đương 0,89%, xuống 35.650,95, kéo theo mức giảm 3,7% cổ phiếu của Boeing. Chỉ số S&P 500 mất 43,05 điểm, tương đương 0,91%, xuống 4.668,97, cách kỷ lục trong ngày khoảng 1,6% và Nasdaq Composite giảm 217,32 điểm, khoảng 1,39% xuống 15.413,28.
Cổ phiếu của các hãng hàng không và các hãng du lịch lao dốc vào thứ hai. American Airlines giảm 4,9% và Delta Air Lines giảm 3,4%. Trong khi United Airlines mất 5,2% và Carnival Corp tuột khoảng 4,9%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 6,5 điểm cơ bản xuống 1,424% và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm giảm 6,7 điểm cơ bản xuống 1,817%.
Nhóm cổ phiếu y tế khép phiên với mức tăng tích cực hơn do các tín hiệu lạc quan sớm cho thấy mũi tiêm tăng cường COVID-19 có thể là chìa khóa bảo vệ chống lại tình trạng lây nhiễm biến thể Omicron mới.
Cổ phiếu Moderna tăng 5,8%, một ngày sau khi chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci đánh giá “Tiêm mũi tăng cường để được bảo vệ tốt nhất trước Omicron”. Trong khi cổ phiếu Pfizer tăng khoảng 4,6% khi các nhà nghiên cứu Israel tại Trung tâm Y tế Sheba và Phòng thí nghiệm Virus học Trung ương của Bộ Y tế Israel đã kết luận vào hôm 11/12 rằng liệu trình tiêm ba mũi của vắc xin Pfizer-BioNTech Covid-19 có hiệu quả chống lại biến thể omicron mới.
Giá dầu ổn định nhưng rủi ro về Omicron vẫn đè nặng
Giá dầu giảm vào thứ hai khi những nghi ngờ mới về hiệu quả của vắc-xin chống lại biến thể Omicron xuất hiện, mặc dù OPEC đã dự đoán trong báo cáo hàng tháng rằng tác động của biến thể này đối với nhu cầu nhiên liệu là không nhiều.
Dầu thô Brent giảm 76 cent, tương đương 1% xuống 74,39 USD / thùng. Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 38 cent, tương đương 0,53% xuống 71,29 USD / thùng. Cả hai điểm chuẩn đều công bố mức tăng khoảng 8% vào tuần trước, mức tăng hàng tuần đầu tiên trong bảy tuần.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới cho quý đầu tiên của năm 2022 nhưng vẫn giữ nguyên dự đoán tăng trưởng cả năm, đồng thời cho biết biến thể Omicron sẽ có tác động nhẹ đến nhu cầu nhiên liệu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể Omicron, được báo cáo tại hơn 60 quốc gia, có nguy cơ “rất cao” trên toàn cầu. Các chính phủ trên khắp thế giới, gần đây nhất là Anh và Na Uy, đã thắt chặt các hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới. Đặc biệt là sau khi Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên với Omicron.
OPEC và các đồng minh gồm Nga, một nhóm được gọi là OPEC +, sẽ nhóm họp vào ngày 4/1/2022 để quyết định về chính sách sản lượng của họ. Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq hôm chủ nhật nói rằng ông dự kiến OPEC tại cuộc họp tiếp theo sẽ duy trì chính sách hiện tại là tăng dần nguồn cung hàng tháng lên 400.000 thùng / ngày.
Thị trường có rất ít phản ứng trước thông báo hôm thứ sáu tuần trước của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ rằng họ sẽ bán 18 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) vào ngày 17/12 như một phần của kế hoạch trước đó trong việc cố gắng giảm giá xăng dầu.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết: “Thị trường dầu có nguy cơ đối mặt với tình trạng dư cung đáng kể trong quý đầu tiên của năm 2022. Do đó, chúng tôi dự đoán giá dầu có khả năng giảm trong những tuần tới”.