Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones rớt 461.68 điểm (tương đương 1.34%) xuống 34,022.04 điểm, sau khi vọt hơn 520 điểm lên mức đỉnh trong phiên. Chỉ số S&P 500 mất gần 1.2% còn 4,513.04 điểm. Chỉ số này khép phiên rớt mốc trung bình động 50 phiên lần đầu tiên kể từ ngày 13/10/2020. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 1.8% xuống 15,254.05 điểm sau khi tăng tới 1.8% hồi đầu phiên.
Diễn biến thị trường trong ngày thứ Tư tiếp nối chuỗi biến động trong 4 phiên gần nhất khi mối đe dọa từ biến thể Omicron xuất hiện.
Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm sau khi CDC báo cáo ca nhiễm biến thể mới Omicron đầu tiên ở California. Omicron – lần đầu được phát hiện vào tuần trước ở Nam Phi – đã được ghi nhận ở ít nhất 23 quốc gia, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhóm cổ phiếu du lịch giảm mạnh nhất sau thông tin về ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Mỹ. Cổ phiếu American Airlines lao dốc gần 8%, cổ phiếu Delta Air Lines sụt 7.3%, và cổ phiếu United Airlines giảm 7.5%. Cổ phiếu Boeing mất 4.8%.
Cổ phiếu Norwegian Cruise Line Holdings và Carnival lần lượt giảm 8.8% và 7%. Cổ phiếu Wynn Resorts rớt 6.1% và cổ phiếu Hilton Worldwide mất 3.8%.
Cổ phiếu nhóm bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực vào ngày thứ Tư. Cổ phiếu Nordstrom rớt 5.3% và cổ phiếu Kohl’s sụt 5.6%. Cổ phiếu Best Buy và Macy’s lần lượt giảm 4.3% và 4.6%.
Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 mất 2.3% vào ngày thứ Tư.
Steve Massocca của Wedbush Securities cho rằng một số động thái bán tháo có liên quan đến việc bán cổ phiếu để giảm thuế (tax-loss selling) và điều đó sẽ tiếp tục.
Mối đe dọa mới xuất hiện đối với sự phục hồi sau đại dịch, dẫn đến một số lệnh cấm đi lại, càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khiến thị trường chao đảo vào ngày 30/11 sau khi ông cho biết Fed dự kiến sẽ thảo luận về việc đẩy nhanh thu hẹp chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng. Bất chấp khả năng gây gián đoạn của biến thể Omicron, Chủ tịch Fed cho biết ông nghĩ rằng việc giảm nhịp độ mua trái phiếu hàng tháng có thể diễn ra nhanh hơn so với kế hoạch được công bố hồi đầu tháng này. Những nhận định của ông Powell đã khiến chỉ số Dow Jones sụt hơn 650 điểm vào ngày 30/11.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng tới 9 điểm cơ bản lên 1.5% vào đầu phiên ngày thứ Tư, nhưng sau đó đảo chiều giảm xuống 1.41%.
Ngoài ra, về dữ liệu kinh tế, dữ liệu từ ADP cho thấy khu vực tư nhân trong tháng 11 đã tạo ra thêm 534,000 việc làm, cao hơn dự báo thêm 506,000 việc làm.
Chỉ số sản xuất PMI tháng 11 của IHS Markit đạt 58.3, thấp hơn dự báo. Chi tiêu xây dựng tháng 10 cũng tăng chậm hơn dự báo, nhưng đã có một sự điều chỉnh tích cực để giúp bù đắp mức chênh lệch thấp hơn.
Chứng khoán Mỹ đã khép lại một tháng đầy biến động trong ngày 30/11. Dow Jones sụt 3.7%, giảm tháng thứ 2 trong 3 tháng. S&P 500 mất 0.8%, còn Nasdaq Composite tăng 0.25% trong tháng 11.