Dow tăng tích cực 10 phiên liên tiếp; Giá dầu tăng tuần thứ 4 liên tiếp

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều vào thứ Sáu (21/7) khi các nhà đầu tư đánh giá kết quả kinh doanh mới nhất của doanh nghiệp. Đáng chú ý, chỉ số Dow Jones đã kéo dài chuỗi chiến thắng 10 phiên liền. 
Dow tăng tích cực 10 phiên liên tiếp; Giá dầu tăng tuần thứ 4 liên tiếp

Dow đánh dấu đợt tăng dài nhất kể từ năm 2017

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow tăng 2,51 điểm, tương đương 0,01%, đóng cửa ở mức 35.227,69; S&P 500 tiến 0,03%, đạt 4.536,34. Trong khi Nasdaq Composite sụt 0,22%, xuống 14.032,81. Chỉ số Dow ghi nhận ngày tăng thứ 10 liên tiếp, một kỳ tích chưa từng thấy đối với chỉ số này kể từ tháng 8/2017.

Tuần qua, S&P 500 thêm 0,69%, trong khi chỉ số Dow leo dốc 2,08%. Đây là tuần tích cực thứ 2 liên tiếp của hai chỉ số. Trong khi đó, Nasdaq đã hạ 0,57% trong tuần qua.

Nhà đầu tư vẫn đang chú ý đến báo cáo lợi nhuận của các công ty. Cổ phiếu của gã khổng lồ vận tải CSX bốc hơi 3,7% do kết quả kinh doanh ảm đạm. Trong khi đó, cổ phiếu American Express trượt gần 3,9%.

Cho đến nay kết quả kinh doanh của các công ty được đánh giá là khá phân hóa. Theo dữ liệu của FactSet, 75% các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo có kết quả vượt kỳ vọng của các nhà phân tích. Tuy nhiên, tỷ lệ đó thấp hơn mức trung bình ba năm là 80%, theo The Earnings Scout.

Giá dầu tăng do nguồn cung thắt chặt

Khép phiên, dầu thô Brent tiến 1,43 USD, tương đương 1,8%, lên 81,07 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Hoa Kỳ cộng 1,42 USD, tương đương 1,9%, lên mức 77,07 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 25/4.

Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cho biết: “Thị trường dầu mỏ đang bắt đầu định giá chậm trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung sắp xảy ra vì nó đang trên đà tăng giá trong tuần thứ tư.”

Ông Phil nói them “Nguồn cung toàn cầu đang bắt đầu thắt chặt và điều đó có thể tăng tốc đáng kể trong những tuần tới. Rủi ro chiến tranh gia tăng cũng có thể ảnh hưởng đến giá cả.”

Nga đã tấn công các cơ sở xuất khẩu thực phẩm của Ukraine trong ngày thứ tư liên tiếp vào thứ Sáu và tiến hành bắt giữ các tàu ở Biển Đen, với sự căng thẳng leo thang trong khu vực kể từ khi Moscow rút khỏi thỏa thuận hành lang biển an toàn do Liên Hợp Quốc làm trung gian trong tuần này.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết hôm thứ Tư, tại Hoa Kỳ, tồn kho dầu thô đã giảm, trong bối cảnh xuất khẩu dầu thô tăng vọt và hiệu suất sử dụng nhà máy lọc dầu cao hơn. Trước đó, hồi thứ Hai, EIA đã dự báo rằng sản lượng dầu khí của Mỹ có thể sẽ giảm lần đầu tiên trong tháng 8 trong năm nay, làm tăng thêm lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Riêng vào thứ Sáu, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Suhail al-Mazrouei nói với Reuters rằng các hành động hiện tại của OPEC+ để hỗ trợ thị trường dầu mỏ là đủ cho thời điểm hiện tại và OPEC+ “chỉ cần một cuộc điện thoại” nếu cần thêm bất kỳ bước nào.

Trong khi đó, các nhà đầu tư hoan nghênh các biện pháp kích thích nhằm vực dậy nền kinh tế đang trì trệ của Trung Quốc. Dữ liệu từ quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới cho thấy mục tiêu tăng trưởng 5% hàng năm của chính phủ có thể bị bỏ lỡ.

Vào thứ Sáu, chính quyền Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch giúp thúc đẩy doanh số bán ô tô và đồ điện tử. “Chúng tôi ước tính cân bằng cung và cầu đối với dầu trong khoảng 75-95 USD cho năm 2024, do nguồn cung hạn chế của OPEC+ và nhu cầu tốt ở Mỹ được bù đắp phần nào bởi nhu cầu yếu hơn kỳ vọng ở Trung Quốc khi quá trình phục hồi kinh tế của nước này tiếp tục chậm lại,” Jay Hatfield, Giám đốc điều hành của Infrastructure Capital Management, cho biết.

Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Asset Management, cho biết vào tuần tới, các cuộc khảo sát sơ bộ về quản lý mua hàng từ S&P Global sẽ là chìa khóa cho các nhà đầu tư đang cố gắng hiểu nhu cầu toàn cầu đang thay đổi.

Các tin khác