DRC - Hệ quả dự báo kém

(ĐTTCO) - Sau thời gian dài hưởng lợi nhờ giá mủ cao su đầu vào thấp, CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) bắt đầu nếm mùi khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng trở lại. 
Qua thực trạng này, DRC đã bộc lộ điểm yếu trong khâu dự báo thị trường.
Lợi nhuận sụt giảm mạnh

 DRC hiện đang dao động ở mức giá từ 25.000-27.000 đồng/CP. Đây là mức giá thấp nhất của mã CP này trong hơn 4 năm trở đây. Mức giá này phần nào phản ánh thực tế khó khăn doanh nghiệp đang đối mặt.
Theo BCTC quý II-2017, lợi nhuận trong quý của DRC chỉ đạt 35 tỷ đồng (giảm 65%). Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 1.843 tỷ đồng (tăng 7%) và 105 tỷ đồng (giảm 47%). Như vậy sau 2 quý đầu năm, DRC đang theo tương đối sát kế hoạch doanh thu với tỷ lệ hoàn thành 49%, nhưng kế hoạch lợi nhuận mới đạt 24% kế hoạch.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích Trương Sỹ Phú, CTCK Bảo Việt (BVSC), tồn kho cao su giá cao là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận. Do DRC thường trữ nguyên liệu bằng 2 tháng nhu cầu sản xuất, việc giá cao su giảm 30% trong quý II so với quý I trên lý thuyết phải giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận.
Tuy nhiên, thời điểm ký hợp đồng và cao su về kho chênh lệch nhau gần 1 tháng nên giá cao su của phần lớn quý II lại tương ứng với mức cao của cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Do đó giá cao su thực tế đưa vào sản xuất cao hơn 40%, dù giá FOB ngoài thị trường chỉ cao hơn tối đa 15%. 

Chính vì vậy, dù giá bán các sản phẩm tiếp tục tăng trong quý II nhưng chưa đủ bù phần tăng của giá cao su. Ước tính mức tăng giá bán bình quân trong quý II là 2,3% cho tất cả sản phẩm. Trong đó ngoại trừ săm lốp tải nhẹ và lốp đắp, hầu hết giá các nhóm sản phẩm khác đều tăng. Điểm đáng chú ý là giá lốp radial đạt hơn 3,8 triệu lốp (tăng 8,5%) và gần bằng giá bán năm ngoái.
Tuy nhiên, mức tăng này vẫn còn rất ít so với mức tăng giá cao su như đã phân tích ở trên. Đây chính là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận gộp 6 tháng của DRC chỉ đạt 13,3%, giảm đến 7,3% so với cùng kỳ. Theo giới phân tích, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất săm lốp chịu ảnh hưởng mạnh bởi giá cao su, nguyên liệu đầu vào quan trọng cho quá trình sản xuất săm lốp.
DRC - Hệ quả dự báo kém ảnh 1  
Kỳ vọng từ thị trường xuất khẩu
Trong kế hoạch phát triển của mình, DRC đang chuyển dần sang sản xuất lốp radial nhằm bắt kịp xu hướng của thế giới. Sự ra đời của lốp radial đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ tiếp theo của ngành công nghiệp săm lốp thế giới. Mặc dù đã được nghiên cứu và phát triển bởi người Anh từ năm 1913, lốp radial chưa được sản xuất với quy mô công nghiệp và sử dụng phổ biến cho tới năm 1948, khi Michelin lần đầu giới thiệu loại lốp này ra thị trường châu Âu.
Nhờ những ưu điểm về khả năng vận hành, tiết kiệm nhiên liệu, độ bền so với lốp bias mà lốp radial đã được sử dụng rộng rãi và dần thay thế lốp bias, trở thành lốp xe tiêu chuẩn cho mỗi chiếc ô tô xuất xưởng trong suốt 20 năm sau đó ở những thị trường ngoài Hoa Kỳ.
Hiện tại, tỷ lệ sử dụng lốp radial cho ô tô ước tính đạt 50-60%. Với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại, nhu cầu cho các dòng lốp radial trong tương lai sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Do cấu tạo phức tạp hơn, tính trung bình chi phí sản xuất mỗi chiếc lốp radial cao hơn khoảng 45% so với lốp bias. Việc đầu tư cho dây chuyền sản xuất lốp radial cũng đòi vốn lớn nhưng việc thu hồi vốn không thể ghi nhận trong thời gian ngắn. Dù vậy, việc đầu tư dây chuyền sản xuất của DRC cũng đã ghi nhận được những kết quả khả quan sau khi giai đoạn 1 nhà máy lốp radial đi vào vận hành năm 2013 (công suất 600.000 lốp/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng).
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, DRC đã bán được 165.948 lốp radial, bao gồm 52.646 lốp nội địa (tăng 8%) và 113.302 lốp xuất khẩu (tăng 161%). Về thị trường nội địa, do còn vướng phải một số vấn đề về chất lượng và khách hàng cũ đang dần làm quen với dòng lốp radial mới nên sản lượng tăng còn chậm. Về thị trường xuất khẩu, Brazil vẫn là thị trường chính, chiếm hơn 40%, kế đó là Thái Lan và Malaysia, chiếm khoảng 20%.
Trong tháng 8, đối tác Birla từ Ấn Độ sẽ có chuyến khảo sát nhà máy của DRC và dự kiến có thể sẽ gửi mẫu để bắt đầu gia công sản phẩm từ tháng 9. Khả năng đóng góp của thị trường Ấn Độ có thể chưa nhiều trong năm nay, nhưng đây là bước đệm quan trọng để lấp phần công suất tăng thêm của giai đoạn 2 trong năm sau.
Tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu sẽ là yếu tố kìm hãm đà suy giảm lợi nhuận của DRC trong những tháng cuối năm. Dự báo doanh thu thuần đạt 3.757 tỷ đồng (tăng 11,8%) và lợi nhuận sau thuế đạt 253 tỷ đồng (giảm 36,1%). 

Các tin khác