Ban quản lý dự án 7 cho biết như vậy khi báo cáo Bộ Giao thông vận tải về những khó khăn, vướng mắc của dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi (TP.HCM) đến cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương) theo hợp đồng BOT (dự án BOT cầu Bình Lợi).
Theo Ban quản lý dự án 7, cầu đường sắt Bình Lợi mới đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ ngày 14-9-2019, bàn giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ngày 20-1-2022.
Tuy nhiên, vật tư từ tháo dỡ cầu đường sắt Bình Lợi cũ chưa được Cục Đường sắt tiếp nhận dù Ban quản lý dự án 7 đã có rất nhiều văn bản đề nghị.
Còn hạng mục cải tạo luồng sông đã hoàn thành công tác thiết kế bản vẽ thi công nhưng chưa có nguồn vốn để thi công, nên chưa trình được thiết kế bản vẽ thi công.
Theo phương án tài chính trong hợp đồng của dự án BOT cầu Bình Lợi được nhà đầu tư ký với Bộ Giao thông vận tải, nguồn chi trả vốn vay ngân sách từ Bình Dương sẽ được thu phí của các phương tiện thủy có tải trọng toàn phần lớn hơn 300 tấn tại ba cảng An Sơn, Rạch Bắp, Bến Súc khi hoạt động trên sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc.
Tuy nhiên, hiện nay các cảng Rạch Bắp và Bến Súc chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt, cảng An Sơn mới được đầu tư một phần nên không thể thu phí. Hiện tại, UBND tỉnh Bình Dương đã điều chỉnh quy hoạch, bỏ cảng Bến Súc, thay bằng cảng khác ở vị trí khác.
Do vậy, phương án tài chính của dự án BOT cầu Bình Lợi đến thời điểm hiện tại không khả thi. Dự án hoàn thành sẽ không có nguồn thu để hoàn vốn ít nhất trong 2 năm do các cảng trên tuyến chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Nguồn vốn đầu tư cho dự án BOT cầu Bình Lợi, nhà đầu tư đã giải ngân: 192/172 tỉ đồng; vốn ngân sách TP.HCM phục vụ giải phóng mặt bằng hạng mục cầu đường sắt Bình Lợi đã giải ngân 110/153 tỉ đồng; khoản nhà đầu tư vay từ ngân sách của tỉnh Bình Dương được giải ngân 248/300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương thông báo phần vốn còn lại sẽ không tiếp tục giải ngân do kết luận của Kiểm toán Nhà nước sau khi kiểm toán vốn ngân sách của tỉnh Bình Dương. Đồng thời, quỹ này liên tục có nhiều văn bản yêu cầu nhà đầu tư dự án BOT cầu Bình Lợi trả lại vốn vay đã giải ngân.
Mặt khác, ngân hàng cho dự án vay vốn cũng không thể giải ngân phần vốn vay do cơ cấu vốn thay đổi. Hợp đồng tín dụng bị phá vỡ nên không có nguồn để thực hiện nốt hạng mục cải tạo luồng sông Sài Gòn sau khi đã hoàn thành cầu đường sắt Bình Lợi mới.
Ban quản lý dự án 7 cho biết với những khó khăn vướng mắc như trên, dự án BOT cầu Bình Lợi không thể hoàn thành mục tiêu đúng theo quyết định đầu tư, phương án thu phí hoàn vốn không khả thi, phương án tài chính bị phá sản nên nhà đầu tư không có nguồn để hoàn trả nợ vay từ ngân sách tỉnh Bình Dương.
Từ những khó khăn trên, Ban quản lý dự án 7 đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét kiến nghị Thủ tướng chuyển đổi hình thức đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thanh toán vốn chủ sở hữu và lợi nhuận; trả nợ vốn vay tỉnh Bình Dương.
Chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương tiếp nhận vật tư thu hồi từ tháo dỡ cầu đường sắt Bình Lợi cũ; có văn bản gửi UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận 2 nhịp của cầu đường sắt Bình Lợi cũ…