Mới đây dự án Saigon One Tower (Q.1, TP.HCM) sau khoảng 7 năm án binh bất động cũng được một tập đoàn bất động sản nước ngoài mua lại, đổ vốn tái khởi động.
Chủ đầu tư mới của tòa nhà Saigon One Tower đang có kế hoạch hoàn thiện dự án để kịp đưa vào hoạt động vào năm 2018. Một công ty kiến trúc của Singapore được thuê để thực hiện hoàn thiện dự án. Với vị trí đắc địa tại trung tâm, chủ đầu tư mới dự kiến sẽ biến tòa nhà thành một tòa cao ốc văn phòng hạng A, chung cư cao cấp và trung tâm thương mại. Điểm nhấn là quán bar ngoài trời cao nhất VN.
Saigon One Tower (góc Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng) khởi công từ năm 2007, được xem là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM (trên 195 m), có tổng mức đầu tư lúc đó khoảng 256 triệu USD (tương đương khoảng 5.000 tỉ đồng), dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2009. Dự án do Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư nắm 49% cổ phần, Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) nắm 30%, Ngân hàng TMCP Đông Á nắm 6%, Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Đông Á nắm 10% và Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ 5%. Nhưng đến năm 2011, dự án đã phải dừng thi công khi đã xây dựng ước đạt 80% khối lượng công việc. Saigon One Tower là 1 trong 3 dự án "làm xấu bộ mặt TP" mà Chủ tịch UBND TP đã nêu ra trong buổi làm việc với các doanh nghiệp hạ tầng mới đây và đề nghị Sở Xây dựng rà soát lại tập trung xử lý nhanh.
Trước đó, tòa nhà Thuận Kiều Plaza (Q.5) sau mấy chục năm đứng "chết lâm sàng" cũng đã được Công ty CP đầu tư An Đông mua lại. Khi đó, có thông tin chủ đầu tư mới sẽ đập đi xây lại, nhưng đến nay chủ đầu tư mới chỉ sơn phết lại tòa nhà, sửa chữa lại phần trung tâm thương mại bên dưới. Chủ đầu tư mới cũng đổi tên dự án từ Thuận Kiều Plaza thành The Garden Maill. Khi chúng tôi gọi đến số hotline tại dự án này để hỏi mua nhà, một nhân viên kinh doanh của công ty cho biết hiện chủ đầu tư mới mở cho thuê phần trung tâm thương mại, căn hộ chưa biết khi nào mở bán.
Một trong những nguyên nhân khiến dự án Saigon One Tower bị “đứng bánh” do rơi vào ngay lúc thị trường bất động sản trầm lắng, khó khăn về tài chính. Trong khi các cổ đông sáng lập ban đầu lần lượt thoái vốn, dứt áo ra đi. Không những vậy, Công ty cổ phần M&C cũng ngưng hoạt động vì nợ thuế nên dự án rơi vào tình trạng “trùm mền” kéo theo nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án này liên tục khiếu nại chủ đầu tư đòi lại tiền nhưng không được.
Một chuyên gia địa ốc phân tích, với giá vốn, cộng với lãi suất, chủ đầu tư mới sẽ cần một cục tiền mặt rất lớn khoảng 6.000 tỉ đồng để sở hữu dự án này. Chưa kể đến khi triển khai dự án, diện tích căn hộ tại đây khá lớn cộng với chi phí đầu tư đội lên khá cao khiến giá thành mỗi mét vuông căn hộ, trung tâm thương mại sẽ cao hơn trước đây rất nhiều trong khi thị trường bất động sản hiện đang bước vào giai đoạn chững lại sau thời gian tăng nóng. “Nếu không có tiềm lực mạnh về tài chính, trường vốn, cộng với phương án kinh doanh khả thi dự án sẽ rất dễ rơi vào tình trạng như trước”, vị chuyên gia này cảnh báo.
Với The Garden Maill, theo chuyên gia này, nếu chỉ sửa chữa lại trung tâm thương mại, sơn phết bên ngoài tòa nhà mà không cải tạo hay thiết kế lại các căn hộ bên trong e rằng dự án sẽ khó đổi vận.