Dự án đường cao tốc Bắc-Nam: khó khắc phục tình trạng thiếu vật liệu xây dựng

(ĐTTCO)-Theo kết quả giám sát vừa kết thúc ngày 14-4 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp cho dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam vẫn đang diễn ra. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều dự án trọng điểm, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Dự án đường cao tốc Bắc-Nam: khó khắc phục tình trạng thiếu vật liệu xây dựng

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, ông Lại Hồng Thanh, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT) đã chia sẻ với phóng viên về công tác quản lý thăm dò và khai thác khoáng sản trên cả nước hiện nay.

* Phóng viên: Thưa ông, tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp phục vụ dự án đường cao tốc Bắc - Nam không còn là vấn đề mới. Lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ, ngành và địa phương cũng đã vào cuộc, nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện. Ông có nhận định gì? 

- Ông LẠI HỒNG THANH: Là dự án trọng điểm của quốc gia, đã được chuẩn bị, triển khai từ năm 2017 đến nay, dự án đường cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đặc biệt quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai.

Tuy nhiên, ở một số đoạn tuyến, địa phương đang có khó khăn về vật liệu phục vụ thi công. Ước tính, nhu cầu toàn tuyến cần khoảng 60,7 triệu m³ đất đắp; 21,5 triệu m³ đá các loại và 10,8 triệu m³ cát.

Trong quá trình lập dự án, thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế đã khảo sát, đề xuất sử dụng các mỏ vật liệu. Một số mỏ ở nhiều địa phương đang được triển khai tốt, song cũng còn một số mỏ chưa đáp ứng được nhu cầu vì nhiều lý do: cự ly vận chuyển quá xa, dẫn đến giá thành cao, cung ứng không kịp tiến độ; một số mỏ đã hết hạn khai thác, đang chờ gia hạn cấp phép…

Bên cạnh đó, có những mỏ trong quy hoạch của địa phương, đang thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác, nhưng theo pháp luật hiện hành thì quy trình, thủ tục mất khá nhiều thời gian. 

Trước khi dự án đường cao tốc Bắc - Nam được triển khai, Bộ TN-MT đã có Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về công tác thăm dò cát sỏi lòng sông và đất đá làm vật liệu san lấp. Thông tư này đã đơn giản hóa về phương pháp kỹ thuật và khối lượng công trình thăm dò, nhờ đó rút ngắn thời gian cấp phép thăm dò, khai thác.

Gần đây, bộ cũng đã ban hành văn bản số 1488/BTNMT-ĐCKS ngày 29-3-2019 về cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án đường cao tốc.

Chúng tôi cũng đã hướng dẫn rõ để UBND cấp tỉnh áp dụng Luật Khoáng sản theo hướng: các công trình xây dựng có thể lấy đất phần đào để chuyển sang phần đắp trong phạm vi phục vụ chính công trình đó mà không cần xin cấp phép… 

* Một số địa phương cho rằng, ngay cả khi đã vận dụng các quy định để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thì để được cấp phép thăm dò, khai thác mỏ mới vẫn quá lâu? 

 - Luật Khoáng sản 2010 đã thực hiện được hơn 10 năm, có những điểm phải điều chỉnh và trường hợp vừa nêu (thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) chính là một trong số những điểm cần sửa đổi. Trước mắt, tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, ở đây là Quốc hội, xem xét, ban hành một nghị quyết riêng theo thủ tục rút gọn về trình tự thủ tục thăm dò, khai thác các mỏ chỉ phục vụ cho dự án này.

Thế nhưng, tiến độ thực hiện phụ thuộc rất lớn vào các địa phương, bởi vì UBND tỉnh là cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp giấy phép thăm dò khai thác.

* Khả năng sử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện hoặc tận dụng phế thải xây dựng để đắp đường thì sao, thưa ông? 

 - Theo tôi, cần đánh giá tác động môi trường của việc sử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện.

Nhưng dù có thể dùng, thì lượng vật chất bù đắp này cũng không đáng kể so với nhu cầu rất lớn của dự án đường cao tốc. 

* Luật Khoáng sản 2010 mặc dù đã phát huy tác dụng tích cực trong nhiều năm qua, song luật cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần hoàn thiện. Ông có thể nói rõ thêm về những điểm bất cập này và Bộ TN-MT có dự kiến trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi luật?

 - Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Luật Khoáng sản 2010 và đã nhận diện một số bất cập.

Đó là, chưa quy định cụ thể việc liên doanh, liên kết trong hoạt động khai thác khoáng sản; chưa có quy định đồng bộ với pháp luật về đầu tư để kiểm soát khi có sự thay đổi về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép khai thác trong việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế; trách nhiệm phối hợp quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành (nhất là đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông)…

Sau khi đánh giá toàn diện, chúng tôi sẽ tiến hành các bước tiếp theo để trình các cấp có thẩm quyền đưa dự án sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản vào chương trình xây dựng pháp luật, có thể là năm 2022 hoặc 2023.  

* Xin cảm ơn ông! 

Các tin khác