Bên cạnh dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (XLHN) đang được CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) thi công, trên tuyến giao thông cửa ngõ phía Đông TP đang có hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm khởi động trong năm nay. Có thể nhắc đến những dự án tiêu biểu trong số này như cầu Sài Gòn 2, nút giao thông Thủ Đức, cổng đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM.
Cầu Sài Gòn 2
![]() |
Phối cảnh cầu Sài Gòn 2. |
Cách đây không lâu, khu vực 2 bên XLHN tiếp giáp với chân cầu sài Gòn vẫn là một khu dân cư tự phát, kinh doanh cây cảnh, vật liệu xây dựng, quán ăn và giải khát rất lộn xộn.
Nhưng kể từ sau tết, ở đây đã được giải tỏa trắng, mở ra một không gian thoáng đãng, sạch sẽ. Công việc san lấp mặt bằng tiến hành khá nhanh, chuẩn bị cho dự án cầu Sài Gòn 2 - một công trình trọng điểm giao thông sắp mọc lên nhằm “cứu” cây cầu Sài Gòn hiện hữu đã trên 50 tuổi.
Theo tìm hiểu của ĐTTC, trong năm 2011 UBND TP đã có Văn bản 253/QĐ-UBND phê duyệt dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2, thực hiện đầu tư theo hình thức B.T (xây dựng - chuyển giao), CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) là chủ đầu tư và Công ty TNHH Tư vấn Thiết kết BR đảm nhiệm vai trò thiết kế dự án.
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1.500 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ khởi công trong quý I-2012 và hoàn thành sau 22 tháng, tức đến giữa năm 2014 sẽ hoàn chỉnh đưa vào khai thác.
Cầu Sài Gòn 2 thuộc địa phận quận 2 và quận Bình Thạnh. Vị trí xây dựng nằm phía hạ lưu và song song với cầu Sài Gòn hiện hữu, khoảng cách giữa 2 tim cầu là 26,6m. Điểm đầu kết nối với đường Điện Biên Phủ và điểm cuối nối với dự án mở rộng XLHN.
Theo thiết kế, cầu Sài Gòn 2 có chiều dài 995m, mặt cắt ngang cầu rộng 23,5m, thiết kế cho 6 làn xe cơ giới và thô sơ lưu thông. Cầu Sài Gòn 2 là cầu bê tông cốt thép dự ứng lực với tuổi thọ thiết kế tối thiểu 100 năm. Tĩnh không thông thuyền của cầu là 9m. Cầu có thể chịu đựng sự va chạm của tàu tự hành 1.000DWT và sà lan kéo tải trọng 500DWT. Ngoài ra, cầu có thể chịu được động đất cấp 7.
Ngã tư Thủ Đức
Dù nằm trên tuyến XLHN nhưng dự án nút giao thông hoàn thiện ngã tư Thủ Đức không nằm trong dự án mở rộng XLHN do CII thi công. Từ lâu, ngã tư Thủ Đức là “điểm đen” thường xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông. Hàng ngày, có trên vài chục ngàn phương tiện ô tô, xe du lịch, container lưu hành trên XLHN vào các cảng, bến xe miền Đông, trung tâm TP.
Lượng phương tiện này xung đột với 1 lượng xe khá lớn từ hướng Võ Văn Ngân - Lê Văn Việt do 2 bên tập trung siêu thị, trường ĐH, xí nghiệp, bệnh viện… Năm 2010, công trình này được giao cho Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 (thuộc Sở GT-VT TPHCM) làm chủ đầu tư.
Trước đây, nút giao thông này dự định sẽ được mở rộng 34m, gồm 2 đường song hành 12m. Hầm chui trực thông 1.000m, trong đó hầm kín dài 81m. Phía trên hầm chui là vòng xoay với đường kính 40m.
Trên vòng xoay là cầu vượt từ hướng Võ Văn Ngân - Lê Văn Việt dài 376m. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư dự án gần 1.500 tỷ đồng.
Hiện có khoảng 100 hộ cá thể kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dự án. Theo ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2, khó khăn hiện nay là tiền đền bù quá lớn, chủ yếu cho các hộ trên đường Lê Văn Việt và Võ Văn Ngân, ước chừng 400 tỷ đồng.
Vì vậy, đơn vị đã đề xuất với TP phương án phân kỳ đầu tư. Theo đó, sử dụng 700 tỷ đồng ngân sách TP để làm hầm chui theo hướng từ TPHCM đi Biên Hòa trước, còn cầu vượt theo hướng đường Lê Văn Việt - Võ Văn Ngân sẽ làm sau.
Nếu chỉ làm hầm chui, khả năng trong vòng 18 tháng thi công sẽ xóa ùn tắc tại nút giao ngã tư Thủ Đức. Còn ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cho biết sẽ làm việc với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch-Đầu tư để tìm nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm khai thông điểm nghẽn này.
Nút giao thông cổng ĐH Quốc gia
Cách ngã tư Thủ Đức không xa, nút giao thông tại cổng ĐH Quốc gia cũng đang “kêu cứu” vì tình trạng quá tải. Dự án này được Sở GT-VT giao cho Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 làm chủ đầu tư, bắt đầu khởi động trong năm 2011.
Công trình có tổng vốn đầu tư được duyệt năm 2008 là 253 tỷ đồng, trong đó 158 tỷ đồng xây lắp. Tuy nhiên, do chi phí bồi thường tăng và trượt giá nên chủ đầu tư đã xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 465 tỷ đồng. Do chưa thu hồi được mặt bằng từ các hộ dân bị ảnh hưởng thuộc địa bàn các quận 9, Thủ Đức và thị xã Dĩ An (Bình Dương) nên dự án đang dậm chân tại chỗ.
Cuối tuần qua chủ đầu tư đã yêu cầu chính quyền địa phương sớm giao mặt bằng để công trình thi công đúng tiến độ. Đến thời điểm này, quận 9 chỉ mới có 31/65 hộ nhận tiền bàn giao mặt bằng; quận Thủ Đức mới kiểm kê khoảng 70/200 trường hợp; phía thị xã Dĩ An đang trình phương án bồi thường, áp giá cho 283 trường hợp.
Nếu hết quý II-2012 được bàn giao đất sạch, dự kiến tháng 3-2014 nút giao thông sẽ hoàn thành, giải quyết được điểm nghẽn trước Nghĩa trang Liệt sĩ TP.
Theo ông Vũ Văn Điệp, đến nay toàn dự án chỉ mới giải ngân được 17,3 tỷ đồng. Trong năm 2011, vốn kế hoạch là 16 tỷ đồng, giải ngân được 11 tỷ đồng chủ yếu phục vụ cho gói xây lắp đường song hành bờ Nam, còn dư 4,9 tỷ đồng do quận 9 chưa có đủ mặt bằng để thực hiện.
Trong năm nay, chủ đầu tư đã đề xuất vốn kế hoạch là 70 tỷ đồng để thực hiện tiếp gói xây lắp đường song hành bờ Nam và khởi công xây dựng đường song hành bờ Bắc, hệ thống đèn chiếu sáng, chi trả giải phóng mặt bằng các hộ dân ngoài ranh XLHN.
Nếu thuận lợi, ông Điệp khẳng định gói thầu đường song hành bờ Nam sẽ hoàn thành trong vòng 6 tháng và gói thầu song hành bờ Bắc hoàn thành trong vòng 9 tháng kể từ khi có mặt bằng.
4 gói thầu còn lại dự kiến sẽ mất 12 tháng thi công kể từ khi tổ chức thông xe đường song hành bờ Nam và bờ Bắc.