Dự án khởi nghiệp không dám vay vốn ngân hàng

Rủi ro mất vốn, không có tài sản thế chấp, áp lực trả nợ sớm... là những rào cản khiến các start-up khó tiếp cận nguồn vốn.

Rủi ro mất vốn, không có tài sản thế chấp, áp lực trả nợ sớm... là những rào cản khiến các start-up khó tiếp cận nguồn vốn.

 

Sau thời gian nghiên cứu tìm hiểu thị trường, năm ngoái, anh Chử Đức Hoàng (Hà Nội) dùng nguồn tiền làm thêm, khoản tiết kiệm của vợ và một phần vay của người thân thành lập công ty và đưa ra thị trường ứng dụng di động giúp bệnh nhân tiểu đường theo dõi tình trạng sức khỏe.

Là sản phẩm công nghệ cao, để duy trì dự án và vận hành bộ máy nhân sự, anh Hoàng cần khá nhiều tiền. Là tiến sĩ tại một viện nghiên cứu, quan hệ rộng, song vị giám đốc trẻ tuổi không tính đến việc gõ cửa ngân hàng. "Vay ngân hàng thường phải có tài sản thế chấp. Khởi nghiệp không có gì ngoài ý tưởng, mình không thể lấy kế hoạch kinh doanh để đi vay", anh nói.

Anh suy tính nếu quá bí có thể cầm cố sổ đỏ hơn 200m2 đất của gia đình ở quê để vay tiền. Nhưng anh không muốn làm điều đó, kể cả khi cha mẹ đều rất đồng tình. Theo anh, với dự án khởi nghiệp, mức độ rủi ro cao, giải pháp phát triển theo sức chi trả, đóng góp của người sáng lập và nhà đầu tư sẽ tối ưu hơn là ràng buộc với tổ chức tín dụng.

Lập nghiệp bằng một dự án nông nghiệp từ năm 2012, Đặng Văn Phong (Hưng Yên) từng rất hào hứng vì biết rằng lĩnh vực anh tham gia thuộc danh mục được ưu đãi lãi suất tại một số ngân hàng thương mại. Song sau vài lần tìm đến nhà băng, Phong vỡ lẽ rằng tiếp cận được khoản tiền 200 triệu đồng là việc không hề dễ dàng.

Ngoài yêu cầu thế chấp, thủ tục pháp lý quá rườm ra đối với một dự án chưa thành hình hài, thì lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong thời gian quá ngắn hoàn toàn không phù hợp với start-up. "Điều này gây áp lực trả nợ cho dự án. Trong khi đó, ngân hàng đề xuất sau 2 năm cần có lãi để họ rút vốn. Chưa biết thành bại thế nào, phải tính kế hoàn vốn là điều hoàn toàn không thể", Phong bày tỏ.

Theo anh, có đến 90% trường hợp khởi nghiệp là thất bại, nên không nhiều cá nhân dại dột tăng gánh nặng trả nợ cho mình khi biết trước rủi ro thành bại của dự án. Do vậy, trong nhiều lựa chọn về dòng tiền, hầu hết start-up đều loại bỏ kênh vốn ngân hàng.

Lúc này, sau 3 năm khởi nghiệp bằng nguồn tài chính tự túc, dự án của Phong đã định vị được thương hiệu trên thị trường, không ít ngân hàng chào mời, song anh đều từ chối. Phong cho biết các nguồn tiền tài trợ từ nhà đầu tư thân quen vẫn tiếp tục được rót vào dự án, thậm chí nhiều khoản chỉ cần tín chấp thì không lý gì anh phải tìm đến ngân hàng.

Anh Hoàng và Phong chỉ là hai trong rất nhiều cá nhân start-up gặp trở ngại về vốn khởi nghiệp nhưng được cho là sáng suốt khi không phụ thuộc vốn vay ngân hàng. Vướng mắc về thủ tục, quy định vay chặt chẽ, thu hồi vốn quá nhanh... là thực tế khắc nghiệt tại các ngân hàng khiến hầu hết các dự án khởi nghiệp dè dặt thậm chí không xem đây là kênh vốn hiệu quả.

Thừa nhận các dự án start-up khá vất vả để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, chuyên gia đầu tư của một nhà băng cổ phần lớn cho biết do hoạt động của các tổ chức tín dụng phải tuân thủ quy định, nên điều kiện xét duyệt cấp vốn khá chặt chẽ. Khi tìm kiếm khách hàng, họ cũng luôn phải ưu tiên những trường hợp có khả năng thu hồi vốn nhanh. "Thường 2-3 năm ngân hàng sẽ phải thu hồi vốn hoặc có giải pháp thoái vốn nếu dòng tiền bỏ ra hiệu quả", vị này thông tin.

Chuyên gia này cũng cho biết hiện một số ngân hàng đã bắt đầu tìm kiếm các dự án khởi nghiệp để rót vốn, song tâm thế đầu tư của họ hoàn toàn không giống những quỹ mạo hiểm, nên vẫn phải theo các tiêu chuẩn và giới hạn nhất định. "Dù không giới hạn lĩnh vực đầu tư, nhưng chính ưu tiên hàng đầu về việc thu hồi vốn cũng phần nào cản trở ngân hàng bỏ vốn vào các mô hình start-up, vốn chỉ có ý tưởng và quyết tâm làm giàu", vị này nhận xét.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng nói vậy không có nghĩa là các dự án khởi nghiệp không thể tiếp cận vốn. Điều quan trọng là người thực hiện cần chuẩn bị đủ hồ sơ báo cáo, kế hoạch… chứ không thể đưa uy tín ra để vay vốn. Mỗi ngân hàng, mỗi địa phương cũng có những chính sách ưu đãi khác nhau. Do đó, các cá nhân có thể tìm hiểu để lựa chọn phù hợp với dự án của mình.

Các tin khác