Dự án tái định cư chậm tiến độ, người dân lo không có nhà để ở

(ĐTTCO)-Tỉnh Quảng Bình mới hoàn thành 1/26 khu tái định cư thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hầu hết các khu tái định cư còn lại đang trong giai đoạn triển khai.
1 trong 8 nút giao trên tuyến cao tốc Bắc Nam qua tỉnh Quảng Bình
1 trong 8 nút giao trên tuyến cao tốc Bắc Nam qua tỉnh Quảng Bình

Nếu không đẩy nhanh tiến độ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án trọng điểm quốc gia. Còn người dân vùng dự án thì đứng ngồi không yên khi đã gần cuối năm nhưng chưa ổn định cuộc sống.

Công trường thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Bùng- Vạn Ninh rất gần nhà bà Trần Thị Khuyên, ở thôn Tây Định, xã Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Gia đình bà Khuyên thuộc diện di dời tái định cư, nhường mặt bằng thi công cao tốc. Nhưng đã hơn 1 năm nay, kể từ khi cơ quan chức năng hoàn thành việc đo đạc, xác định mốc mặt bằng bàn giao, gia đình bà vẫn ở chỗ cũ, chưa được di dời để ổn định cuộc sống. Bà Trần Thị Khuyên lo lắng, việc xây nhà mất gần 1 năm, vậy mà bây giờ, gia đình chưa được bố trí chỗ tái định cư.

“Mong muốn khu tái định cư làm nhanh để người dân còn làm nhà mới, rồi người dân làm nhà xong đã thì mới giải tỏa bàn giao mặt bằng, chứ không bây giờ giải tỏa rồi bắt dân đi ở nhà trọ thì sợ lắm. Đền bù xong người dân xây nhà xong rồi khi giải tỏa người dân đã có nhà mới để ở. Tâm tư bây giờ ăn không ngon, ngủ không yên” - bà Trần Thị Khuyên nói.

Ông Trần Xuân Hành, Chủ tịch UBND xã Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, xã có 19 nhà thuộc diện di dời, địa phương đã bố trí quỹ đất để xây dựng khu tái định cư. Huyện đã hoàn thành các thủ tục, đang tiến hành thi công khu tái định cư. Theo ông Trần Xuân Hành, người dân rất lo lắng khi gần đến cuối năm mà vẫn chưa được bố trí đất để xây dựng nhà cửa.

“Bây giờ việc xây nhà tiến độ cũng đang gặp khó, hiện tại vừa mới san lấp mặt bằng, rồi còn làm đường sá, kéo điện lưới đến hết năm chưa biết có xong được không. Có thể đến cuối năm nay thì mặt bằng khu tái định cư mới ổn định được, có thể sang năm người dân bắt đầu làm nhà, nhà nào làm nhanh nhất cũng nửa năm, hơn thì mất 8 tháng mới xong nhà để dân đến ở” - ông Trần Xuân Hành nói.

Đến nay, tổng chiều dài các đoạn tuyến đã bàn giao cho các Ban Quản lý dự án gần 75km, đạt 59% kế hoạch. Số đoạn tuyến còn lại đang vướng vì một số tài sản trên đất chưa được thu hồi, một số vị trí đang tranh chấp. Về tái định cư, tỉnh Quảng Bình mới thi công hoàn thành 1/26 khu tái định cư, 2/13 khu nghĩa trang. Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều trở ngại về di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu nghĩa địa, xử lý các vướng mắc về nguồn gốc đất đai… Tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại tỉnh Quảng Bình còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ.

Đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Quảng Bình đang dần hình thành

Ông Phạm Xuân Phú, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, huyện quy hoạch 3 khu tái định cư nhưng hiện nay đều trong giai đoạn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, hoàn chỉnh hồ sơ đánh giá tác động môi trường để trình phê duyệt.

“UBND huyện, Hội đồng giải phóng mặt bằng nỗ lực, cố gắng hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Đến nay các công đoạn đang chuẩn bị để phê duyệt và đưa vào thi công các dự án, đảm bảo cho người dân bị ảnh hưởng tới nơi ở mới.” - ông Phạm Xuân Phú cho biết thêm.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần với chiều dài 126km. Tuyến cao tốc đi qua tỉnh này có 8 nút giao, khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn. Để thực hiện dự án, hơn 3.200 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó, 580 hộ thuộc diện tái định cư, hơn 4.600 ngôi mộ bị ảnh hưởng, phải di dời hơn 3.700 ngôi mộ.

Một địa điểm chuẩn bị xây dựng khu tái định cư cao tốc Bắc - Nam tại tỉnh Quảng Bình

Trên thực tế, thủ tục pháp lý để thực hiện tái định cư, di dời hạ tầng vẫn còn phức tạp, trong khi cơ chế đặc thù không quy định cắt bỏ các thủ tục liên quan. Mặt khác, đoạn tuyến Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc địa bàn 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, trước khi phê duyệt việc thực hiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phải xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải về phương án nên mất nhiều thời gian.

Tại một số địa phương, quá trình thực hiện tái định cư, nhiều hộ dân lúc đầu đăng ký tái định cư nhưng sau đó đổi ý xin nhận tiền đền bù và tự tái định cư, các huyện phải điều chỉnh lại quy mô dự án dẫn đến chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Huệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết: “Từ đây đến cuối năm còn nhiều công trình tái định cư, di dời mồ mả, phục vụ giải phóng mặt bằng. Liên quan đến các công tác này phải có đánh giá tác động môi trường bắt buộc. Vì vậy các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo cho các đơn vị thi công trên tuyến triển khai thông suốt”.

Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình

Tỉnh Quảng Bình phấn đấu đến hết tháng 12 năm nay, bàn giao 100% mặt bằng sạch phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam theo chỉ đạo của Chính phủ. Như vậy, người dân phải rời nhà cũ để nhường mặt bằng phục vụ thi công cao tốc. Nhưng đến hết năm nay, khi các khu tái định cư chưa làm xong, người dân sẽ ở đâu?

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, việc tái định cư cho người dân vùng dự án là rất cấp bách, phải đảm bảo quyền lợi cho bà con, không để người dân phải đi thuê nhà hoặc ở nhờ nhà người khác.

“Vì tính cấp bách của dự án, người dân đã sẵn sàng dời bỏ nhà cửa để ủng hộ dự án, nhưng xong rồi người ta sống ở đâu. Chủ trương là nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ, tránh trường hợp để xảy ra chuyện vì người dân đã ủng hộ dự án mà tái định cư không kịp để người dân phải lang thang, đi thuê trọ hoặc ở nhờ, thậm chí hiện nay mùa mưa bão đã đến. Nếu có phải đề xuất các giải pháp đảm bảo đời sống nhân dân” - ông Hồ An Phong nói.

Các tin khác