Trước căng thẳng Biển Đỏ kéo dài, các chuyên gia thương mại dự báo xuất khẩu cao su vẫn gặp thách thức trên thị trường quốc tế.
Nhu cầu Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động đến xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đỏ kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 1/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 260.000 tấn, trị giá 365 triệu USD, giảm 3,3% về lượng và giảm 2,4% về trị giá so với tháng 12/2023.
Ngoài ra, nếu so với tháng 1/2023, xuất khẩu cao su tăng 92,6% về lượng và tăng 99,8% về trị giá. Cùng đó, giá xuất khẩu cao su bình quân ở mức 1.404 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng 12/2023 và tăng 3,7% so với tháng 1/2023.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 2,14 triệu tấn cao su, với trị giá 2,89 tỷ USD, giảm 0,1% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với năm 2022.
Trong số đó, các chủng loại cao su xuất khẩu chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR 20...
Đáng lưu ý, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 67,57% về lượng và chiếm 68,98% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt trên 1,44 triệu tấn, trị giá 1,99 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng, nhưng giảm 1,8% về trị giá so với năm 2022.
Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,81% về lượng và chiếm 99,67% về trị giá trong tổng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của cả nước.
Năm 2023, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu giảm cả về lượng và trị giá so với năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu một số chủng loại vẫn tăng trưởng tốt về lượng so với năm 2022; trong đó đáng chú ý như: SVR CV60, cao su tái sinh, RSS1, RSS4, SVR CV40, RSS5…, nhưng các chủng loại này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Trong năm 2023, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su đều giảm mạnh so với năm 2022; trong đó giảm mạnh nhất là cao su hỗn hợp (HS: 4005) giảm 22,8%; Skim block giảm 22,4%; RSS3 giảm 17,6%; SVR 10 giảm 15,7%; SVR CV50 giảm 14,9%; Latex giảm 14,8%; SVR 20 giảm 14,2%.
Trên thị trường thế giới, trong tháng 1/2024, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á có xu hướng tăng do được hỗ trở bởi triển vọng thị trường ôtô lạc quan và các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, cũng như giá dầu cao hơn.
SAIC-GM-Wuling của Trung Quốc đặt mục tiêu bán 700 nghìn chiếc xe sử dụng năng lượng mới trong năm 2024.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 1/2024, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động so với tháng trước.
Tại các công ty cao su, hiện tại giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 270-305 đồng/TSC, trong đó Công ty Cao su Phú Riềng giữ giá thu mua ở mức 285-305 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng trước.
Công ty Cao su Bình Long giữ giá thu mua ở mức 285-295 đồng/TSC. Công ty Cao su Bà Rịa giữ giá thu mua ở mức 283-293 đồng/TSC.
Công ty Cao su Mang Yang giữ giá thu mua ở mức 270-278 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng trước.
Cũng theo Cục Xuất Nhập khẩu, thời gian tới, căng thẳng ở Biển Đỏ có khả năng gây ra biến động đối với giá cao su kỳ hạn và giao ngay.
Giá cao su tự nhiên thường điều chỉnh theo giá dầu, trong khi giá dầu đang có diễn biến tăng, trong bối cảnh nhiều tàu chở dầu và khí đốt được chuyển hướng tránh đi qua Biển Đỏ, làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển.
Hơn nữa, giá dầu đi lên kéo theo giá cao su tổng hợp tăng bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp. Sản phẩm cạnh tranh với cao su tổng hợp là cao su tự nhiên cũng có giá tích cực.