Năm 2012, ngành du lịch Việt Nam đón hơn 6,8 triệu lượt khách quốc tế và 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 160.000 tỷ đồng. Với mục tiêu đón 7,2 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa với tổng doanh thu 190.000 tỷ đồng (9,5 tỷ USD) năm 2013, các doanh nghiệp (DN) đang triển khai nhiều biện pháp để tạo đà tăng trưởng nhưng cũng không khỏi băn khoăn về kết quả đề ra.
Kích cầu lớn
Để đạt được doanh thu 9,5 tỷ USD cho ngành du lịch năm 2013, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL), Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan đã tiến hành triển khai Chương trình Kích cầu du lịch nhằm kích thích nhu cầu du lịch, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch và phát triển các ngành dịch vụ trong năm 2013.
Theo đó, các cơ quan này sẽ tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam đến hãng lữ hành và các cơ quan truyền thông của những thị trường trọng điểm tiềm năng như Trung Quốc, Đông Bắc Á, châu Âu, Australia, ASEAN, Nga, đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, Ấn Độ và Trung Đông là 2 thị trường sẽ được chú trọng quảng bá và khai thác vì khách có khả năng chi tiêu cao.
Tại thị trường trong nước, các DN được kêu gọi, khuyến khích hợp tác giảm giá vào mùa thấp điểm, tăng cường các tour ngắn ngày giá rẻ để đáp ứng nhu cầu du lịch tiết kiệm của người dân và hàng không xây dựng giá riêng cho tour nội địa để hỗ trợ các đơn vị lữ hành.
Du khách nước ngoài tại Việt Nam. |
Sau thành công của chương trình Ấn tượng Việt Nam năm 2009, đây là lần thứ hai chương trình kích cầu du lịch mới được tổ chức với quy mô lớn nên các DN đều mong chờ sẽ nhận được sự hỗ trợ lớn từ nhiều mặt. Hiện Bộ VH-TT-DL đã kiến nghị Thủ tướng cho phép giảm 50% thuế giá trị gia tăng và miễn thuế thu nhập cho các DN lữ hành, khách sạn và hãng vận chuyển trong năm 2013 để DN triển khai các gói sản phẩm khuyến mại, giảm giá dịch vụ một cách đồng bộ. Song song đó, các DN phấn đấu tăng chất lượng, dịch vụ để thu hút du khách.
Cụ thể, ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Saigontourist cho biết, đơn vị này đang đẩy mạnh các chương trình quảng bá tại các hội chợ, hội nghị hội thảo du lịch quốc tế tại các nước Singapore, Myanamar, Đức, Nga, Pháp, Nhật Bản, Anh cũng như liên kết với các cơ quan truyền thông, các hãng hàng không quốc tế, các cơ quan truyền thông quốc tế để quảng bá thương hiệu Saigontourist cũng như du lịch Việt Nam.
Trong năm nay, Saigontourist sẽ phấn đấu đón khoảng 1,69 triệu lượt khách với tổng doanh thu 14.300 tỷ đồng. Bên cạnh dòng tour du lịch truyền thống và dòng tour du lịch cao cấp, Saigontourist tiếp tục đầu tư phát triển dòng du lịch tiết kiệm IKO Travel để phù hợp với nhu cầu số đông.
Trong khi đó, Vietravel cho biết hiện đang mở thêm các chi nhánh tại những vùng trọng điểm để tăng mạnh lưới giao dịch, nâng cao chất lượng với mức giá hợp lý nhất để đạt doanh thu từ 2.800 tỷ đồng trở lên trong năm 2013. Các công ty du lịch khác cũng đang nỗ lực rất lớn bằng nhiều biện pháp khác nhau để kích cầu du lịch với mức tăng trưởng doanh thu từ 20 - 30%.
Nhưng nhiều vướng mắc
Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho rằng để tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng, chương trình kích cầu du lịch cần đi vào thực tế và thực hiện xuyên suốt hơn để có thể tạo ra sự đồng thuận từ nhiều phía.
Vì thực tế những năm qua, các chương trình kích cầu liên tục bị “gãy” nên các DN không thể giảm giá tour bền vững cũng như không khắc phục được những tồn tại như thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng “chặt chém”, tranh giành mua bán, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam trong lòng du khách.
Những năm qua các chương trình kích cầu lại chưa kết nối và hỗ trợ DN một cách xuyên suốt. Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, cho biết trong những dịp cao điểm đang xảy ra tình trạng nhiều DN chỉ khuyến khích du khách đăng ký tour nước ngoài vì du lịch nội địa thường xuyên gặp phải tình trạng thiếu phòng, thiếu xe, giá cả tăng bất thường.
Phó tổng giám đốc một công ty du lịch tại TPHCM cũng nhận định, dù thị trường du lịch mỗi năm đều có xu hướng tăng nhưng thực tế lượng khách quay trở lại rất ít nên hiệu quả của du lịch là chưa cao nên đưa ra mục tiêu quá cao có thể quá sức đối với DN.
Trong khi đó, hiện giá tour ở Việt Nam vẫn còn quá đắt do ảnh hưởng của giá vận tải, dịch vụ có liên quan. Các hãng hàng không cam kết bán vé khuyến mại cả năm nhưng giới hạn một số tuyến bay, số ghế… Thực tế trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt 9,6% so với cùng kỳ.
Đầu năm nay, phí visa tăng lên trong khi lại có thông tin về việc thu hẹp đối tượng visa. Hơn nữa, việc khấu hao xe vận chuyển khách hiện giảm xuống chỉ còn 10 năm cũng là một rào cản đối với các DN lữ hành vì chắc chắn chi phí lữ hành sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Về vấn đề này, ông Lại Hữu Phương, Giám đốc Trung tâm Lữ hành BenThanh Tourist, nhận xét: “Năm 2012, nhiều công ty lữ hành nhỏ đã âm thầm khai tử, doanh thu của khối nhà hàng, khách sạn trong nước chỉ đạt 70-80% kế hoạch, cho thấy các DN đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Mục tiêu tăng trưởng trong năm 2013 không phải là quá sức so với các DN, nhưng chúng ta nên nhìn đúng vào thực chất du khách trong năm 2012 và những vấn đề còn tồn tại nhằm đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp và đúng đắn để du lịch phát triển bền vững”.