Tại phiên giải trình trước Quốc hội ngày 4-5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề xuất nhận diện chính xác và đánh giá tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Theo định hướng đó, các bộ ngành liên quan được kỳ vọng phải có bằng chứng nghiên cứu khoa học đầy đủ về thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trước khi đề xuất chính sách quản lý.
Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cũng từng chia sẻ, cần có đầy đủ thông tin khoa học, dựa trên nghiên cứu cụ thể và tham khảo, thừa nhận những căn cứ khoa học cập nhật nhất từ các cơ quan y tế trên thế giới. Thậm chí là các kinh nghiệm pháp lý và thực tiễn quốc tế của các chính phủ trên toàn cầu để làm cơ sở cho việc hoàn thiện khung pháp lý đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng tại Việt Nam.
Các nước phát triển tìm giải pháp thay thế cho thuốc lá điếu
Theo thang điểm về tác hại của các loại sản phẩm thuốc lá của Annu Rev Public Health 2018, có thể thấy các sản phẩm thuốc lá điếu có quá trình đốt cháy được xếp vào nhóm “Cực kỳ độc hại”, trong đó thuốc lá điếu truyền thống có điểm tác hại cao nhất là 100 điểm. Trong khi đó, thuốc lá điện tử chỉ ở mức điểm 3 thuộc nhóm “Ít có hại hơn nhiều” thể hiện rõ mức độ giảm tác hại đáng kể.
Và cuối cùng, nhóm “Không có hại” là khi không sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào. Từ thang điểm này, chúng ta có thể khẳng định lần nữa, không sử dụng thuốc lá hoặc cai thuốc lá hoàn toàn là phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, nếu không thể cai thuốc, thay vì sử dụng loại sản phẩm ở nhóm “Cực kỳ độc hại” người hút thuốc lá điếu có thể chuyển đổi sang sản phẩm ở nhóm “Ít có hại hơn nhiều” để dần dần tiến đến việc cai thuốc lá hoàn toàn.
Tiếp theo đó, báo cáo vào tháng 9-2022 của Văn phòng Cải thiện sức khỏe và bất bình đẳng y tế mang tên “Nicotine vaping in England” (tạm dịch: Sử dụng thuốc lá điện tử nicotine ở Anh) cho thấy, hơn một nửa số người từng hút thuốc lá điện tử dùng thuốc lá điện tử để giúp họ cai thuốc lá hoàn toàn hoặc để giúp họ cai thuốc lá. Điều này nhấn mạnh thực tế rằng nhiều người từng hút thuốc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử để ngăn ngừa tái nghiện thuốc lá điếu.
Mới đây nhất, từ nghiên cứu vào tháng 2 bởi tạp chí y học uy tín hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine, các thử nghiệm được thực hiện để giải quyết câu hỏi: “Nếu chuyển qua thuốc lá điện tử có giúp cho người hút thuốc cai thuốc lá hay không?”. Nghiên cứu gồm 2 nhóm: nhóm 1 sử dụng thuốc lá điện tử do nhà nghiên cứu cung cấp; nhóm 2 chỉ thực hiện tư vấn.
Kết quả, tỷ lệ cai thuốc thành công trên nhóm 1 sử dụng thuốc lá điện tử là 28,9%, cao hơn 16,3% ở nhóm 2 chỉ nhận tư vấn. Nghiên cứu này khẳng định lần nữa khuyến cáo của Cơ quan Y tế Vương quốc Anh đưa thuốc lá điện tử vào vào hỗ trợ người hút thuốc cai thuốc lá là có cơ sở khoa học.
Còn theo Văn phòng của WHO tại châu Âu: “Việc thay thế toàn bộ thuốc lá điếu truyền thống bằng sản phẩm điện tử giúp người sử dụng giảm việc bị phơi nhiễm với nhiều chất độc hại và chất gây ung thư trong thuốc lá truyền thống”.
Hiệp hội Bác sĩ Y tế công cộng Hoa Kỳ thì cho rằng: “Các sản phẩm thuốc lá không khói/nicotin, đang hiện hữu tại thị trường Hoa Kỳ, dù không hoàn toàn không có rủi ro, mang nguy cơ tử vong ít hơn đáng kể và dễ dàng từ bỏ hơn thuốc lá truyền thống. Các sản phẩm này bao gồm thuốc lá điện tử…”
Còn Thụy Điển thúc đẩy việc sử dụng các dạng thuốc lá và nicotin không đốt cháy ít độc hại hơn như túi ngậm chứa nicotin và thuốc lá điện tử… Chỉ ra thành công đáng chú ý của Thụy Điển, GS. Zimlichman, Giám đốc Viện Nghiên cứu tim mạch Brunner thuộc Khoa Y Sackler, Đại học Tel Aviv, Israel, chỉ ra rằng: “Ở Thụy Điển, việc chuyển sang các giải pháp thay thế không khói đã giúp giảm 70% số ca tử vong liên quan đến hút thuốc so với các nước láng giềng”.
GS. Zimlichma cũng nhấn mạnh bằng chứng từ các quốc gia như Thụy Điển, Nhật Bản và Vương quốc Anh đang rất thuyết phục. Áp dụng các chiến lược giảm thiểu tác hại, chẳng hạn như chuyển sang các hệ thống phân phối nicotin thay thế, đã dẫn đến sự giảm đáng kể về tỷ lệ tử vong và kết quả sức khỏe cộng đồng được cải thiện và hiệu quả”.
Xem xét cơ sở khoa học để đánh giá toàn diện
Rõ ràng, các nước trên thế giới đã nhìn nhận tích cực hơn về vai trò của thuốc lá thế hệ mới trong việc giảm tác hại của thuốc lá. Tại Hội nghị các bên về Kiểm soát thuốc lá lần thứ 10 (COP10) vừa tổ chức từ ngày 5 đến ngày 10-2, các chuyên gia kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá công tâm về những dữ liệu này.
Đại biểu các quốc gia cũng đồng ý thành lập nhóm chuyên trách để tiếp tục xem xét, đánh giá và đưa ra khuyến nghị thích hợp vào kỳ họp COP11 (dự kiến sau 2 năm) đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng thay vì đưa ra kết luận tại kỳ họp năm nay.
Còn tại Việt Nam, các báo cáo gần đây của cơ quan chức năng đã chỉ rõ cơ chế vận hành và thành phần có trong thuốc lá mới, tác hại của sản phẩm này nhưng chưa xét đến các báo cáo khoa học quốc tế đã được công bố về tiềm năng giảm rủi ro.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 4-6, liên quan đến nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được điều chỉnh bởi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
Tuy nhiên, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng thì chưa được định nghĩa cụ thể trong luật hiện hành. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng đây là một “khoảng trống pháp lý” cần được bổ sung.
Về các giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách quản lý chặt chẽ, có cơ chế quản lý rõ ràng đối với thuốc lá điện tử, khắc phục khoảng trống về pháp lý trong lĩnh vực này, tạo cơ sở để các ban ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, có căn cứ pháp luật.
Bộ Công Thương cũng đã đề xuất Bộ Y tế đánh giá toàn diện về thuốc lá mới trên góc độ khoa học, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng chống tác hại của thuốc lá.
Theo các chuyên gia, trước những bằng chứng, dữ liệu khoa học về thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng từ những tổ chức y tế uy tín và các chính phủ trên thế giới, các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam cần tham khảo các thông tin cập nhật, thực tế, đa chiều, toàn diện về sản phẩm, thực trạng thị trường cũng như các kinh nghiệm quản lý thuốc lá thế hệ mới trên thế giới.
Từ đó, có thể xây dựng một chính sách quản lý hiệu quả cho cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, góp phần vào mục tiêu giảm thiểu tác hại thuốc lá, đảm bảo trật tự kinh doanh và tăng nguồn thu ngân sách từ thuế.
Thế giới đã có khá đầy đủ những bằng chứng, dữ liệu khoa học về tiềm năng giảm thiểu tác hại của thuốc lá thế hệ mới như là giải pháp thay thế thuốc lá điếu. Để hoạch định chính sách quản lý toàn diện và hiệu quả cho thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quản lý thực tiễn quốc tế hướng đến đảm bảo trật tự kinh doanh và tăng nguồn thu ngân sách từ thuế.