Dư nợ vay ngoại tệ lớn
Genco3 được thành lập theo Quyết định số 3025/QĐBCT ngày 1-6-2012 của Bộ Công Thương, trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại Công ty TNHH Nhiệt điện Phú Mỹ, các công ty phát điện hạch toán phụ thuộc, các ban quản lý dự án nguồn điện, và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại một số công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang hoạt động theo Luật DN.
Genco3 hiện đang sở hữu 5.485 MW công suất tại các nhà máy hạch toán phụ thuộc, bao gồm: cụm nhà máy nhiệt điện khí Phú Mỹ, 2 nhà máy nhiệt điện than là Vĩnh Tân 2 và Mông Dương, cụm nhà máy thủy điện Buôn Kuốp và một nhà máy điện mặt trời.
Ngoài ra, công ty còn sở hữu 2 công ty con là CTCP Nhiệt điện Bà Rịa và CTCP Nhiệt điện Ninh Bình có tổng công suất 490 MW, và 3 công ty liên kết là doanh nghiệp thủy điện có tổng công suất 584 MW. Có điểm rất đặc biệt tại Genco3, là dù hoạt động với mô hình CTCP nhưng cổ đông lớn là EVN đang nắm giữ hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV, tương ứng hơn 99% cổ phần.
Do các dự án Vĩnh Tân 2 và Mông Dương sử dụng vốn vay ngoại tệ, nên kết quả kinh doanh của Genco3 chịu tác động mạnh từ các biến động tỷ giá, đặc biệt là tỷ giá USD/VNĐ. Báo cáo tài chính quý I-2024, Genco3 ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan với doanh thu thuần đạt 9.688 tỷ đồng (giảm 15%), và lợi nhuận sau thuế âm 651 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh bết bát này, theo lãnh đạo Genco3 xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Về doanh thu, sản lượng điện đạt 6,6 tỷ kWh (giảm 11,5%). Sản lượng điện huy động giảm chủ yếu ở nhà máy nhiệt điện khí Phú Mỹ (giảm 18%), giá bán điện trung bình giảm 4% do chi phí nguyên liệu giảm.
Về lợi nhuận, Genco3 ghi nhận hơn 600 tỷ đồng chi phí lãi vay (tăng 4%), và 636 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá. Có thể nói, đây là quý kinh doanh thua lỗ nặng nề nhất của Genco3, mà nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ yếu tố quen thuộc “lỗ tỷ giá”.
Trái ngược với sự kỳ vọng của giới đầu tư về sự bình ổn của tỷ giá trong những quý còn lại của năm 2024, giá USD gần đây liên tục được đẩy lên mức cao, khiến cho nhiều cổ đông lo ngại về kết quả kinh doanh sắp tới của Genco3.
Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, Genco3 còn 34.546 tỷ đồng nợ vay với 85% là nợ vay dài hạn. Khoản nợ vay USD khổng lồ này được áp dụng với lãi suất thả nổi Libor (lãi suất liên ngân hàng London) chủ yếu để phục vụ đầu tư các nhà máy điện.
Tính đến cuối tháng 3, VNĐ đã giảm giá 2% so với đầu năm và gần 6% so với USD. Cũng tại thời điểm này, lãi suất Libor đã tăng mạnh lên 10%.
Sau quý I đầy bất ổn, giới phân tích và cả bản thân DN dù thua lỗ nặng vẫn có nhận định lạc quan về biến động tỷ giá trong những quý còn lại. Cụ thể, theo phân tích của một công ty chứng khoán, nguồn cung ngoại tệ trong nước được dự báo vẫn đang có những tín hiệu tích cực, và việc NHNN đã thực hiện hàng loạt biện pháp như các hoạt động điều tiết trên thị trường mở để tăng lãi suất liên ngân hàng; đồng thời bán can thiệp ngoại tệ và trong điều kiện thế giới không xuất hiện thêm các sự kiện bất ngờ, hay chỉ số DXY không ghi nhận tăng mạnh, VNĐ có thể không giảm giá thêm nữa trong quý II và III.
Kỳ vọng việc Fed có kế hoạch hạ lãi suất vào quý III, sẽ góp phần giảm áp lực chi phí lãi vay cho Genco3.
Kỳ vọng dễ thành thất vọng
Trên thực tế, Genco3 cũng hưởng lợi nhờ chênh lệch tỷ giá. Thống kê cho thấy lợi nhuận sau thuế Genco3 những năm gần đây cải thiện rất mạnh, từ âm 525 tỷ đồng năm 2018 tăng lên 3.171 tỷ đồng năm 2021.
Nguyên nhân là do Genco3 phân bổ hết lỗ tỷ giá trong thời gian xây dựng từ năm 2018, và giảm mạnh chi phí lãi vay năm 2020 và 2021, do lãi suất Libor giảm mạnh khi các nước trên thế giới đẩy mạnh kích thích kinh tế do ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tuy nhiên, nếu loại bỏ lãi nhờ đánh giá lại tỷ giá của các khoản vay trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế điều chỉnh của Genco3 chỉ đạt khoảng 2.290 tỷ đồng. Theo tính toán, với 1% ảnh hưởng tăng/giảm của đồng USD so với VNĐ, sẽ làm giảm/tăng lợi nhuận sau thuế tương ứng hơn 300 tỷ đồng.
Đối với lãi suất Libor và lãi huy động VNĐ tăng/giảm 1%, sẽ làm giảm/tăng lợi nhuận sau thuế thêm tương ứng hơn 300 tỷ đồng.
Từ thực tế này, tại ĐHĐCĐ thường niên vừa được tổ chức ngày 13-6, HĐQT của Genco3 vẫn còn khá tự tin khi đặt ra mục tiêu cho năm 2024. Cụ thể, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch doanh thu (công ty mẹ) đạt gần 40.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá) 196 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều cổ đông vẫn chất vấn HĐQT Genco3 về các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong những năm gần đây.
Trả lời chất vấn cổ đông, đại diện Genco3, cho biết theo quy định của Thông tư 57/2020/TT-BCT ngày 31-12-2020 của Bộ Công Thương, số liệu chênh lệch tỷ giá được tính toán trên cơ sở tổng vốn vay ngoại tệ, kế hoạch trả nợ vốn vay ngoại tệ, số liệu trả nợ gốc vay thực tế, tỷ giá quy đổi đã được 2 bên thỏa thuận trong phương án giá điện, tỷ giá trả nợ thực tế.
Hàng năm, Genco3 phối hợp với bên mua điện để tổng hợp các tài liệu, tính toán số liệu chênh lệch tỷ giá, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Đến nay, EVN đã thanh toán chênh lệch tỷ giá các năm 2015-2018 và một phần năm 2019. Số chênh lệch tỷ giá còn lại của năm 2019 và các năm 2020-2023 tính toán theo quy định nêu trên là 3.772 tỷ đồng, trong đó năm 2023 là 837 tỷ đồng.
Trái ngược với sự kỳ vọng của giới đầu tư về sự bình ổn của tỷ giá trong những quý còn lại của năm 2024, giá USD gần đây liên tục được đẩy lên mức cao. Ngày 27-6 vừa qua, Vietcombank niêm yết giá bán USD ở mức 25.477 đồng. Với mức giá này, USD đã tăng 4,3% so với thời điểm đầu năm. Trên thị trường tự do, giá USD tăng gần 5,1% so với thời điểm đầu năm.
Việc giá USD không có dấu hiệu “hạ nhiệt”, khiến cho nhiều cổ đông lo ngại về kết quả kinh doanh sắp tới của Genco3.