Những yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân của bệnh tắc tĩnh mạch do huyết khối vì một lý do nào đó tạo ra một cục máu đông (huyết khối) trong hệ thống tĩnh mạch. Huyết khối có thể di chuyển từ tĩnh mạch lên tim, phổi và gây tắc nghẽn trong khi di chuyển gọi là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Để biết những yếu tố nguy cơ dẫn đến thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cần xem đến cơ chế hình thành. Cơ chế hình thành huyết khối tĩnh mạch do 3 nguyên nhân, còn gọi là “Tam chứng Virchow” bao gồm: Tình trạng tổn thương thành mạch máu; rối loạn quá trình đông máu gây tăng đông; ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch. Người có 1, 2 hoặc hội tụ cả 3 yếu tố nêu trên là đối tượng có nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao.
Để đưa ra quyết định điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các đánh giá thông qua thang điểm PADUA nhằm phân tầng mức độ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Nếu tổng điểm đánh giá cao hơn hoặc bằng 4 (PPS ≥ 4), người bệnh cần được điều trị dự phòng. Trong trường hợp người bệnh đã từng trải qua các cuộc phẫu thuật, mức độ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch được đánh giá dựa theo thang điểm Caprini. Nếu tổng điểm đánh giá cao hơn hoặc bằng 5 (PPS ≥ 5), người bệnh sẽ được chỉ định điều trị dự phòng.
Cần lưu ý thời gian điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở mỗi người bệnh là khác nhau. Tùy thuộc vào số lượng yếu tố nguy cơ, mức độ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và phân loại yếu tố nguy cơ. Nếu các yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là thoáng qua, người bệnh chỉ cần điều trị trong thời gian ngắn. Ngược lại, người bệnh có các yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao (ung thư giai đoạn cuối, thực hiện hóa trị...) hoặc các yếu tố không thay đổi được (tăng đông máu bẩm sinh...), việc điều trị có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc suốt đời.
Một câu hỏi cũng được nhiều người quan tâm là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có xu hướng trẻ hóa. Thực tế xu hướng trẻ hóa của thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không rõ ràng như tăng huyết áp hay nhồi máu cơ tim nhưng nếu xem xét kỹ các nguy cơ như béo phì, suy giãn tĩnh mạch nếu xuất hiện sớm thì khả năng mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cũng trẻ hóa hơn. Theo y khoa những người dưới 40 tuổi thường ít có nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Người dưới 50 tuổi thì tỷ lệ 1/1.000 nhưng nếu có bệnh lý phải nhập viện: như điều trị nội khoa tỷ lệ 10-12%. Nếu bệnh nặng nội khoa săn sóc đặc biệt có thể 40-50% hoặc 80%.
Thuyên tắc huyết khối không có triệu chứng đặc hiệu nên thường người bệnh chỉ phát hiện khi chuyển sang giai đoạn nặng nên dự phòng, chuẩn đoán sớm là kim chỉ nam trong điều trị bệnh.
Chiến lược dự phòng
Tỷ lệ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở người bệnh điều trị nội khoa là 10 - 12%. Do đó, trong vòng 24 giờ đầu ngay sau khi nhập viện, người bệnh cần được đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu. Đây cũng là cách để xác định người bệnh thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao hay thấp. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra quyết định điều trị dự phòng phù hợp cho từng người bệnh.
Sử dụng thuốc kháng đông là phương pháp điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch phổ biến dành cho cả người bệnh điều trị nội khoa và ngoại khoa. Tùy theo thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc dạng tiêm hay dạng uống với liều lượng phù hợp. Ngoài ra, người bệnh còn được khuyến khích áp dụng song song các phương pháp điều trị không dùng thuốc như thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, mang vớ bơm hơi ngắt quãng. Trong trường hợp người bệnh có nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch kèm khả năng chảy máu cao, đặt lưới lọc tĩnh mạch là phương pháp dự phòng được áp dụng.
Để đạt được hiệu quả tối đa khi điều trị dự phòng, hạn chế triệt để các biến chứng do thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch người bệnh cần tuân thủ việc sử dụng thuốc kháng đông, đảm bảo sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm. Người bệnh cần nên chủ động theo dõi các biến chứng hoặc tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc để xử trí kịp thời. Đặc biệt là tham gia đầy đủ các buổi tái khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, với sự hỗ trợ của hệ thống bệnh án điện tử, bất kỳ người bệnh có nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao đều được đánh giá nguy cơ ngay từ sớm. Nhờ đó, bác sĩ có thể chỉ định những phương pháp dự phòng phù hợp với người bệnh, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, phát huy thế mạnh đa chuyên khoa, bệnh viện đã thành lập đơn vị phản ứng nhanh với sự phối hợp của đội ngũ bác sĩ các khoa liên quan nhằm giải quyết kịp thời các biến chứng do thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Tại đây, người bệnh còn được các bác sĩ hướng dẫn bài tập vận động phục hồi chức năng, xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống phù hợp nhằm tối ưu hiệu quả của chiến lược dự phòng.
Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận điều trị cho anh L.V.S. (64 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến khám trong tình trạng đột ngột sưng đau, căng tức chân trái, đau nhiều không giảm. Sau khi siêu âm và chụp CT mạch máu, các bác sĩ xác định người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch toàn bộ một phần chân trái. Các bác sĩ đánh giá tình trạng rất nguy hiểm, nguy cơ biến chứng thuyên tắc phổi rất cao. Sau đó, người bệnh được chỉ định đặt lưới lọc huyết khối phòng ngừa tạm thời và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, hút huyết khối bằng phương pháp nội mạch đồng thời dùng thuốc kháng đông để điều trị, phòng ngừa tiến triển bệnh. Sau 5 ngày điều trị, người bệnh xuất viện với tình trạng sức khỏe ổn định, triệu chứng thuyên giảm nhiều và không có biến chứng nào xảy ra.