Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 năm nay được nghỉ lễ dài, nhưng với tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, xu hướng đi du lịch có sự khác biệt. Nhiều người lựa chọn điểm đến hoang sơ, ít người thay vì tập trung đông đúc. Do đó, dự báo các chuyến khám phá cảnh quan Tây Bắc, Đông Bắc, vùng núi Nam Trường Sơn, Tây nguyên, một số vùng biển đảo… sẽ lên ngôi trong mùa du lịch Tết này.
Tây Bắc: Đại thắng cảnh hùng vĩ
Tây Bắc luôn luôn là điểm đến được du khách thích khám phá những chuyến đi phượt, chơi Tết bụi lựa chọn. Đặc biệt, với chương trình quảng bá, liên kết giữa các thành phố lớn với Tây Bắc trong năm qua để kích cầu du lịch, chắc chắn Tết này càng được nhiều người chọn làm điểm đến. Trong đó, đến với Sapa, Y Tý (Lào Cai) dịp Tết du khách sẽ được chiêm ngưỡng những gì đẹp nhất về phong cảnh lẫn văn hóa của vùng cao Tây Bắc.
Đó là những vườn hoa xuân rực rỡ trên núi Hàm Rồng, vườn hoa khoe sắc trong mây trên cung đường đi cáp treo lên nóc nhà Đông Dương - Fansipan 3.143m. Du khách cũng sẽ được hòa mình trong thiên nhiên tươi đẹp ở các bản Cát Cát, Tả Phìn, Tả Văn, khu vực Thác Bạc, đèo Ô Quy Hồ, ngắm biển mây cùng núi non hùng vĩ ở nhiều nơi quanh dãy Hoàng Liên Sơn, núi Lão Thần.
Đặc biệt đến với Sapa, Y Tý dịp Tết du khách sẽ được hòa mình vào những chợ phiên cuối năm vô cùng nhộn nhịp, nhiều sắc màu của đồng bào Mông, Dao Đỏ, Giáy, Hà Nhì. Những ngày đầu xuân, du khách còn được trải nghiệm phong tục đón Tết, đi chơi xuân, tổ chức lễ hội mới lạ, độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nếu tự tổ chức chuyến đi, từ Hà Nội có nhiều chuyến tàu hỏa, xe khách lên Sapa, Y Tý. Du khách cũng có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân theo Quốc lộ 32, Cao tốc Hà Nội-Lào Cai. Ở Sapa và Y Tý có rất nhiều homestay, nhà nghỉ, khách sạn từ bình dân đến 3-5 sao. Nên tìm hiểu, gọi điện đặt trước hoặc check đăng ký phòng online để nhận được những ưu đãi, với giá hợp lý nhất.
Khu vực Tây Bắc còn những điểm đến được nhiều người biết như Mộc Châu, Tà Xùa (Sơn La). Đây là 2 điểm đến vô cùng hấp dẫn, đầy kỳ thú vào những ngày Tết. Đến cao nguyên Mộc Châu dịp Tết du khách có cơ hội ngắm rừng hoa mận nở trắng xóa, những gốc đào khoe sắc khắp đất trời. Ngoài ra, bạn còn được lang thang trên những cánh đồng hoa cải trắng mênh mông quên lối về, lạc giữa đồi chè xanh đầy lãng mạn.
Dịp đầu năm bà còn người Mông ở Mộc Châu tổ chức rất nhiều lễ hội dân tộc độc đáo như: Hội khèn Mông, sáo Mông, hội ném còn, hội thi hát dân tộc… Còn đến với Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa (Bắc Yên) dịp Tết, du khách được thả hồn vào cảnh núi rừng hùng vĩ cùng vẻ đẹp của sắc hoa đào Mông. Chúng ta sẽ có được cảm nhận thú vị về cái Tết của đồng bào Mông hiếu khách, thân thiện.
Mộc Châu và Tà Xùa nằm cách Hà Nội khoảng 200-220km, du khách có thể di chuyển bằng xe khách hoặc phương tiện cá nhân theo Quốc lộ 6 và Quốc lộ 32. Ở Mộc Châu có những khu nhà nghỉ kiểu container, còn Tà Xùa là homestay trên núi ngắm biển mây.
Ngoài ra ở Tây Bắc có một số điểm chơi xuân khác đáng lưu ý như: Mai Châu (Hòa Bình), các bản người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái), đón Tết cùng người Thái ở Lai Châu, Điện Biên…
Đông Bắc: Lên rừng xuống biển
Đông Bắc: Lên rừng xuống biển
Đến với vùng Đông Bắc, du khách không chỉ ngắm rừng núi, suối thác hùng vĩ mà còn có điểm đến biển, đảo hấp dẫn ở Vịnh Bắc Bộ. Do thời tiết giá rét vào dịp Tết, nên đến với các điểm biển đảo nổi tiếng như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, đảo Cô Tô, Quan Lạn, mũi Sa Vĩ… du khách thường chọn du thuyền, ngắm cảnh, thưởng thức hải sản thay vì tắm biển, lặn biển, chèo kayak, sup như mùa hè.
Ở phần rừng núi, Quảng Ninh cũng có nhiều điểm đất hấp dẫn như cung đường tuần tra biên giới Bình Liêu. Ở đây, du khách ngoài việc ngắm bức tranh phong cảnh biên cương thăm thẳm, còn được khám phá nét văn hóa độc đáo của người Dao Thanh Phán trong các buổi chợ phiên ngày Tết. Ngoài ra dãy núi Yên Tử với phong cảnh hữu tình cũng rất phù hợp cho chuyến du xuân.
Trong khi đó, du lịch Cao Bằng nổi tiếng với những địa danh thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, khu di tích thắng cảnh Pắc Bó. Cao Bằng có phong cảnh hoang sơ, hữu tình với hệ thống núi đá vôi, suối thác ở các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh. Đến Cao Bằng dịp Tết và xuân, du khách được chiêm ngưỡng dòng sông Quây Sơn màu xanh ngọc bích uốn lượn trên biên cương đẹp như tranh vẽ.
Chèo thuyền tham quan thác Bản Giốc, một trong những thác nước đẹp nhất thế giới, tự hào khi ghé qua những cột mốc biên giới. Mùa xuân này du khách ghé thăm suối Lê Nin, núi Các Mác, hang Cốc Pó ở Hà Quảng sẽ hiểu hơn về nơi Bác đã sinh sống và lãnh đạo phong trào cách mạng. Hoặc du khách lên Công viên địa chất Non nước Cao Bằng dịp xuân du để được lạc vào mùa hoa thơm cỏ dại vùng lòng hồ Thăng Hen, chiêm ngưỡng kiệt tác Núi Thủng trời ban.
Một địa danh khác được mệnh danh là thiên đường phượt, du lịch bụi nổi tiếng nhất vùng núi phía Bắc cung đường Hạnh Phúc dài 185km xuyên qua những rừng đá tai mèo bao la và Cao nguyên đá Đồng Văn. Cung đường Hạnh Phúc và Cao nguyên đá càng trở nên đẹp khi vào tiết xuân. Đây là thời điểm khi loài hoa đẹp nhất của núi rừng đua nhau khoe sắc.
Ở vùng Núi Đôi Quản Bạ, Thung lũng Sủng Là, Tả Phìn, Phố Cáo, Phó Bảng, Lũng Cú… đều ngập tràn muôn sắc hoa cải vàng, cải trắng, đào rừng đỏ thắm, hoa tam giác mạch nở muộn, hoa mận trắng xóa. Đặc biệt dịp xuân ở vùng cao Hà Giang, bà con người Mông thường tổ chức các lễ hội Gầu Tào (Đồng Văn), lễ hội chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc), hay lễ hội Lồng Tồng của người Tày.
Các điểm đến du ngoạn ở Quảng Ninh cách Hà Nội từ 120-350km với tuyến đường đi lại thuận tiện theo Quốc lộ 1A, Quốc lộ 18, Quốc lộ 5. Còn TP Cao Bằng cách Hà Nội khoảng 300km, du khách đi Quốc lộ 1A lên Lạng Sơn rồi ngược Quốc lộ 4A lên Cao Bằng hoặc theo Quốc lộ 3 qua Thái Nguyên, Bắc Kạn lên Cao Bằng.
TP Hà Giang cách Hà Nội 300km, sau đó du khách phải đi tiếp khoảng 200km nữa tới Mèo Vạc để chiêm ngưỡng trọn vẻ đẹp của mùa xuân. Du khách có thể đặt vé trước các nhà xe chạy chuyến đường dài Hà Nội-Hà Giang-Mèo Vạc. Tới Hà Giang, du khách có thể bắt xe ôm hoặc thuê xe máy để đi vào các thôn bản, điểm du lịch chơi xuân. Ở Hà Giang nhà nghỉ, homestay chỉ tập trung ở một số trung tâm thị trấn hoặc điểm du lịch như: thị trấn Tam Sơn, Đồng Văn, Mèo Vạc, khu cột cờ Lũng Cú, bản Lô Lô Chải…
Du xuân miền văn hóa tâm linh
Du xuân miền văn hóa tâm linh
Với ai không có ý định thực hiện chuyến chơi Tết lên núi rừng có thể lang thang những ngày đầu năm ở các đình, chùa vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Như vùng đất cổ Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang) vào dịp đầu năm vô cùng thích hợp cho những ai muốn đi để trải nghiệm văn hóa. Những canh hát quan họ mời trầu đầu năm ở đình, chùa vùng đôi bờ sông Cầu sẽ để lại ấn tượng khó quên cho mọi người. Du khách có thể tìm đến một số đình, chùa nổi tiếng để lễ bái cầu an lành, sức khỏe, như: đền Đô, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh); chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm, khu di tích sinh thái-tâm linh Tây Yên Tử (Bắc Giang).
Với khoảng cách từ Hà Nội đến các điểm du lịch văn hóa, tâm linh ở Bắc Ninh (30-40km), Bắc Giang (50-100km), du khách hoàn toàn có thể đi chơi xuân, lễ chùa trong ngày.
Trong khi đó, am Ngọa Vân (Đông Triều), hệ thống chùa, tháp Yên Tử (TP Uông Bí) và chùa Cái Bầu (Vân Đồn) là các điểm đến văn hóa tín ngưỡng ở tỉnh Quảng Ninh. Nếu ai mê dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông thì không thể bỏ qua 3 điểm đến trên vào dịp đầu năm. Ở am Ngọa Vân hay hệ thống chùa, tháp Yên Tử nằm trên dãy núi Yên Tử có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Mùa xuân du khách vừa đi lễ chùa, vừa được ngắm núi rừng giữa sương mây huyền ảo, ngỡ như lạc vào cõi thần tiên. Còn đến chùa Cái Bầu du khách được chiêm ngưỡng những công trình Phật giáo hướng ra vịnh Bái Tử Long. Đứng ở chùa du khách sẽ mê đắm khi ngắm những hòn đảo xanh nhấp nhô trên sóng biển.
Một điểm du xuân văn hóa tâm linh đầu năm khác chắc chắn phải kể đến là chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) và chùa Bái Đính (Gia Viễn, Ninh Bình). Chùa Tam Chúc, Bái Đính nổi tiếng bởi các công trình đại Phật giáo khổng lồ lớn nhất châu Á. Đặc biệt đến chùa Bái Đính, du khách có thể kết hợp tham quan Tràng An - di sản thiên nhiên của thế giới. Còn ở chùa Hương mọi người sẽ được vãn cảnh chùa và động Hương Tích giữa vùng núi đá vôi đẹp nhất Hà Nội. Du khách cũng không thể quên những phút giây thả hồn mình trên thuyền dạo suối Yến…
Ngoài 3 cung đường du xuân văn hóa tâm linh trên, lên Thiền viện Trúc Lâm Tam Đảo, tham quan những ngôi chùa trên đỉnh núi Tây Thiên (Vĩnh Phúc) cũng là những gợi ý cho du khách.
Những lưu ý khi đi chơi Tết, du xuân: - Luôn mang theo giấy tờ tùy thân. - Chuẩn bị cả tiền mặt và thẻ ATM trong ví cá nhân. - Trang phục gồm: quần, áo, khăn, mũ, găng tay, giày giữ ấm, chống thấm nước. - Mang theo vài loại thuốc cơ bản trị cảm cúm, sốt, đau mắt, xoa bóp. - Theo dõi dự báo thời tiết nơi đến trước chuyến đi. - Cần có thiết bị bảo vệ đồ điện tử khi đến vùng núi cao giá rét, có độ ẩm lớn. - Kiểm tra kỹ xe cộ nếu đi xe cá nhân hoặc thuê tự lái. Cần mang theo phụ tùng thay thế, xăng khi đến các vùng miền núi hoang vu, hẻo lánh. - Mang theo pin, sạc dự phòng cho điện thoại, máy ảnh trong các chuyến đi dài ngày. |