Đưa '1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP' lên Tiki

(ĐTTCO) - Chương trình “1000 câu chuyện sản phẩm OCOP” giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua môi trường thương mại điện tử (TMĐT). 
Đưa '1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP' lên Tiki

Chiều 14-8, Sở Công Thương TPHCM phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP", Thương hiệu nông sản Cần Giờ và Sàn giao dịch thịt heo TPHCM.

Cụ thể, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Công ty TNHH Tiki (sàn TMĐT Tiki) ký kết hợp tác xây dựng chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” nhằm hợp tác, chia sẻ các thông tin phù hợp về danh mục các sản phẩm OCOP, sản phẩm trọng tâm, chủ lực của TPHCM và các tỉnh, thành trong chương trình liên kết vùng.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết chương trình “1000 câu chuyện sản phẩm OCOP” trên sàn TMĐT sẽ tạo môi trường, cơ chế, hệ thống công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đến được với người tiêu dùng cả nước thông qua môi trường TMĐT.

Trong chiều cùng ngày, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, UBND huyện Cần Giờ và Tiki ký kết hợp tác xây dựng Thương hiệu nông sản Cần Giờ. Việc hợp tác này nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP tại huyện Cần Giờ cải tiến sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm và hướng đến xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

Tại buổi ký kết, ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm - tiêu dùng Tiki, cho biết tổ yến Cần Giờ có một số nền tảng để xây dựng thành thương hiệu "tốt nhất thế giới’. TPHCM đang đứng trước cơ hội khuếch trương, phát triển một sản phẩm đặc trưng cao cấp, có giá trị kinh tế lớn, dựa trên điều kiện tự nhiên quý giá, độc đáo của vùng đất Cần Giờ.

Theo ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, thời gian qua, tổ yến thu hoạch trên địa bàn huyện chủ yếu tiêu thụ trong nước. Cần Giờ kiến nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND TPHCM đề xuất Bộ NN&PTNT sớm có văn bản hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến để phục vụ việc lập hồ sơ xuất khẩu tổ yến trên địa bàn huyện.

Cũng trong chiều cùng ngày, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT và Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, ký kết hợp tác xây dựng Sàn giao dịch thịt heo TPHCM, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh, giao dịch mặt hàng heo hơi theo phương thức hiện đại; giảm chi phí trung gian, góp phần ổn định nguồn cung ứng mặt hàng thịt heo và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng.

OCOP là tên viết tắt của cụm từ “One Commune One Product” được hiểu là “Mỗi xã một sản phẩm”. Thủ tướng Chính phủ ban hành OCOP như một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và khuyến khích thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Các tin khác