Đưa cổ vật trở thành một ngành công nghiệp

(ĐTTCO) - Trị giá và giá trị đồ cổ vốn là 2 câu chuyện khác nhau nhưng con số của trị giá không chỉ nâng tầm giá trị trăm hay ngàn năm, mà còn đưa cổ vật trở thành một ngành công nghiệp thu hút giới đầu tư. 
Đưa cổ vật trở thành một ngành công nghiệp

LTS: Những ngày qua, thông tin Bộ VH-TT-DL đã nhận chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo - một báu vật của triều Nguyễn và đưa ấn từ Paris, Pháp về nước, thu hút sự quan tâm của dư luận. Có thể thấy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là góp phần chấn hưng văn hóa, xây dựng đất nước phồn vinh. Một trong số đó, chính là việc phát huy giá trị và trị giá của cổ vật.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo - một báu vật hoàng cung của triều Nguyễn đã “hồi hương” thành công

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo - một báu vật hoàng cung của triều Nguyễn đã “hồi hương” thành công

Càng quen càng dễ bán

Tại Chương I, Điều 4, Luật Di sản văn hóa quy định rõ: “Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học” và “Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên”. Tuy nhiên, trên thực tế chẳng mấy ai quan tâm đến khái niệm này, khi nhắc đến những món đồ có tuổi đời vài chục năm trở lên, giới mua bán gọi ngay đồ cổ hay cổ vật. Chuyện lạm dụng khái niệm để buôn bán, thổi giá vẫn nhan nhản từ các cửa hàng trực tiếp đến những hội nhóm buôn bán đồ cổ trực tuyến.

Anh N.T. Hoàng (37 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ TP Thủ Đức) rao bán trọn bộ sưu tập đồ cổ trong một nhóm mua bán trên mạng xã hội. Chưa đầy một tuần bộ sưu tập hơn 100 món đồ với đủ loại chén dĩa, bình gốm, bộ ấm trà; tiền xu; bút mực… đã chốt đơn thành công, không ít lượt bình luận tiếc nuối vì không kịp xuống tay.

Anh Hoàng chia sẻ: “Tôi chơi đồ cổ hơn 10 năm nay, cũng có thể gọi là quen mặt trong giới, nên giao dịch cũng dễ. Làm nghề này, chủ yếu là mua bán dựa trên uy tín nhau thôi, chứ đâu có bảo hiểm gì, sau này có sự cố thì anh em a lô tìm cách xử lý thỏa đáng cho nhau”.

Đường Lê Công Kiều (quận 1) nổi tiếng là đường mua bán đồ cổ ở TPHCM. Tại đây có gần 20 cửa hàng kinh doanh cổ vật. Một thời thu hút các nhà sưu tập lẫn khách quốc tế tìm đến, đến mức thành danh xưng “Phố đồ cổ”. Thế nhưng, nếu nhìn trên giấy phép kinh doanh thì ở đây không có cửa hàng cổ vật nào mà chủ yếu là kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm.

Anh T.H., chủ một cửa hàng kinh doanh đồ mỹ nghệ, quà lưu niệm tại đây, cho biết: “Nếu nói là cổ vật thì ai giám định và ai chịu tin ai đây. Tôi cũng thường kết hợp với một số đơn vị bảo tàng trong thành phố triển lãm, nhưng mình đưa ra 20 món đồ, bảo tàng chỉ chọn 10 món để trưng bày. Vấn đề này bình thường thôi. Ông chuyên mua bán thì có kinh nghiệm của dân kinh doanh, còn bảo tàng thì có kinh nghiệm chuyên môn của họ. Cũng dân chơi đồ cổ với nhau thôi, nhưng mỗi ông là mỗi kinh nghiệm cá nhân khác nhau khi chọn mua, định giá món đồ”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật NGÔ KIM KHÔI: Cần một thị trường cơ bản chỉn chu để định đúng giá trị và trị giá

Một số nhà đấu giá liên hệ trực tiếp với tôi như Christie’s hay gần nhất là Millon - nơi nắm giữ ấn vàng Hoàng đế chi bảo - một báu vật của triều Nguyễn vừa qua, cũng vừa làm việc với tôi và họ mong muốn có một sàn giao dịch tại Việt Nam. Qua nhiều thảo luận, trao đổi, họ nhìn nhận thị trường Việt Nam rất tiềm năng và sẽ phát triển tốt trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, điều họ ngại ngùng chính là cơ chế sách, hành lang pháp lý cơ bản để hình thành một thị trường chuyên nghiệp vẫn chưa có cụ thể. Chính vì vậy mà công khai một bức tranh, món đồ cổ là rất khó. Một số đơn vị trong nước trước đây có mở sàn đấu giá tranh và cổ vật. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn, nhiều món đồ được thổi giá cao quá mức so với thực tế, khiến giới sưu tập không còn tin tưởng.

Có hàng nhưng không có nguồn

Trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật để được Nhà nước bảo hộ, được hỗ trợ về bảo quản, song không nhiều nhà sưu tập, chủ sở hữu mặn mà với chủ trương này. Lý do, theo nhiều người trong giới chơi cổ ngoạn tiết lộ là sự e ngại khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp của món đồ mà họ sở hữu.

Cổ vật áo cung đình được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM

Cổ vật áo cung đình được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM

Đồ cổ phải là món đồ có giá trị cả về mặt lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ lẫn giá trị lớn về mặt kinh tế, có niên đại ít nhất 100 năm. Trải qua chiến tranh, bao dâu bể của cuộc đời, việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp cho nhiều hiện vật là chuyện không dễ, thậm chí là… không tưởng.

PGS-TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết, trước đây, việc bỏ quy định “sưu tầm cổ vật phải có giấy phép của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL” đã khuyến khích các cá nhân, tổ chức sưu tầm di vật, cổ vật. Từ đó, nhiều bộ sưu tập tư nhân, bảo tàng tư nhân ra đời, trong đó có nhiều sưu tập cổ vật quý có xuất xứ từ các di tích khảo cổ (dưới lòng đất, dưới nước).

Thế nhưng, cũng vì thế khi thị trường trao đổi, mua bán “ngầm” sôi động thì cũng kéo theo những vi phạm về thăm dò, khai quật cổ vật như nạn đào bới, trộm cắp di vật, cổ vật tại các di tích khảo cổ trở nên phổ biến hơn. Có những trường hợp khi cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ các cổ vật được đào bới dưới đất hoặc mò vớt dưới biển nhưng không thể xử lý được, phải trả lại cho “người sưu tầm”. Vì luật không quy định về các điều kiện cho việc sưu tầm cổ vật, cũng không có bằng chứng về việc đào bới tìm kiếm cổ vật trái pháp luật.

Hơn thế, có chuyên gia khảo cổ còn bất bình kể, có di tích vừa phát hiện hôm trước, hôm sau quay lại thì trộm đã lấy đi hết. Ví dụ như ở Bình Châu (Quảng Ngãi), hôm trước vừa phát hiện ra di vật đã cử người trông nom nhưng hôm sau quay trở lại đã thấy trống trơn. Bởi, khi hay tin trộm đã lặn sâu xuống dưới nước lấy hết đồ đi.

Với dân chơi đồ cổ, đa phần dựa trên kinh nghiệm và uy tín cá nhân để chốt đơn, việc kiểm tra nguồn gốc món đồ đôi khi trở thành không thiết yếu và cũng không quan tâm. “Người ta tìm mua cái mà họ thích hoặc nhằm mục đích đầu tư, chờ lên giá thì bán lại. Người mua cũng dựa trên kinh nghiệm của họ, ngoại trừ các loại đá quý có những trung tâm giám định, thì những món đồ như chén, dĩa gốm hay sắc phong, bút ký thì hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm và uy tín của nhau để giao dịch.

Cũng không có ai cầm món đồ đó đến trung tâm hay nhờ các bảo tàng uy tín giám định giúp, hay điều tra nguồn gốc chìm nổi ở đâu, họ chỉ tin vào lựa chọn của mình và tư vấn từ bạn bè trong giới với nhau”, anh T.H. chia sẻ thêm.

Chính sự thẩm định cá nhân dựa trên kinh nghiệm và uy tín, không ít món đồ cổ trở thành “mồi ngon” cho giới kinh doanh thổi phồng để “lướt sóng” giá thị trường. Và cũng có món đồ trị giá lẫn giá trị nhưng hoàn toàn như vật “vô tri” bởi chưa có hoặc quá ít người nhận ra đúng bản chất của nó.

Bộ VH-TT-DL vừa tổ chức hội nghị - hội thảo lấy ý kiến góp ý Hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Nhiều ý kiến tại hội thảo quan tâm đến di sản cũng đặt ra vấn đề như: Hiện các bảo vật quốc gia được xếp hạng và công nhận, trưng bày tại các bảo tàng hay đơn vị nhà nước chỉ có thống kê, kiểm tra hiện trạng, giải pháp bảo quản…

Hoàn toàn không có chuyện quy ra giá trị bằng con số cụ thể bảo vật quốc gia. Trong tình huống đơn vị trưng bày và bảo quản gây hư hỏng, mất cắp hoặc đánh tráo…thì căn cứ luật sẽ xử lý cụ thể như thế nào, khung hình phạt ra sao.

Các tin khác