Dubai đẩy mạnh IPO các công ty nhà nước

(ĐTTCO) - Thị trường vốn của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang ngày một nóng, khi Dubai tìm cách hồi sinh sàn giao dịch chứng khoán ốm yếu của mình với một loạt đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO).

Dubai đẩy mạnh IPO các công ty nhà nước

Khi “nhiên liệu” bất động sản sa sút

Chính quyền của trung tâm thương mại hàng đầu UAE có kế hoạch tư nhân hóa 10 công ty do nhà nước hậu thuẫn, niêm yết một số cổ phiếu của chúng trên thị trường nội địa của Dubai nhằm cạnh tranh với thành công của Tiểu vương quốc láng giềng Abu Dhabi và cường quốc trong khu vực Saudi Arabia. Những động thái đó diễn ra sau vài năm “nhợt nhạt” của chứng khoán Dubai, khác xa thời hoàng kim với những đỉnh cao chóng mặt vào giữa những năm 2000.

Chính quyền Dubai đã khai trương sàn giao dịch chứng khoán của mình với khoản vay ngân hàng 50 triệu Dh (14 triệu USD) vào năm 2000. Trong vòng nửa thập kỷ, sàn giao dịch non trẻ đã tăng vọt lên tổng vốn hóa thị trường 120 tỷ USD, gấp 3 lần quy mô GDP của Dubai khi đó. Nhưng thị trường chạy bằng “nhiên liệu” bất động sản của khu vực sau đó đã sụp đổ do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 và tiếp tục trầm lắng kể từ khi giá dầu lao dốc vào năm 2014. Một chỉ số theo dõi cổ phiếu của thành phố đã giảm khoảng 2/3 trong 16 năm, từ mức cao kỷ lục vào tháng 11-2005 đến cuối tháng trước.

Ngược lại, một thước đo theo dõi chứng khoán của Abu Dhabi, vốn trước đây là một thị trường yên tĩnh hơn, đã tăng khoảng 2/5 trong cùng kỳ. Thị trường chứng khoán của Abu Dhabi cũng tự hào có tính thanh khoản cao gấp 10 lần Dubai, về giá trị giao dịch trung bình hàng ngày. Cú vượt mặt của thị trường Abu Dhabi đã được thúc đẩy bởi một số vụ IPO nổi tiếng. Trong năm nay, Công ty Dầu khí quốc gia của Abu Dhabi đã tách ra và bán cổ phiếu các công ty con, bao gồm cả chi nhánh khoan dầu. Ngoài ra, một đợt tăng giá không thể giải thích được đối với cổ phiếu của IHC, một công ty có liên hệ với gia tộc cầm quyền của Abu Dhabi, cũng đã hỗ trợ vốn hóa cho thị trường chứng khoán vốn gấp 4 lần quy mô của Dubai. Riêng trong năm 2021, giá trị thị trường của IHC đã tăng 263%!

Trong khi đó, quy mô thị trường chứng khoán khoảng 2.500 tỷ USD của Saudi Arabia đã vượt xa các đối thủ từ UAE và ngày càng cạnh tranh gay gắt trong khu vực. Trong tháng 11-2021, vương quốc này đã vạch kế hoạch niêm yết công khai Sàn Giao dịch chứng khoán Tadawul, kỳ vọng huy động lên tới 1 tỷ USD. Trong khi đó, UAE vẫn bế tắc với các kế hoạch lâu dài về hợp nhất các sàn Dubai và Abu Dhabi.

Chặng đường dài

Dubai còn một chặng đường dài phải leo. Khi các thị trường xung quanh phát triển, thành phố gần đây đã phải đối mặt với hàng loạt vụ hủy niêm yết của các công ty liên kết với chính phủ như DP World và Emaar Malls, và tập đoàn bất động sản tư nhân Damac cũng làm theo. Nhưng tin tức về kế hoạch tư nhân hóa các công ty của Dubai trong nỗ lực tăng gấp đôi giá trị vốn hóa thị trường lên khoảng 820 tỷ USD đã được mọi người chú ý.

Kể từ khi những tham vọng đó được công bố lần đầu tiên vào đầu tháng 11, Chỉ số Dubai đã tăng khoảng 1/10, góp phần cải thiện tâm lý về nền kinh tế đang phục hồi sau những hạn chế do coronavirus gây ra. “Đối với những người đang muốn đầu tư vào thế giới hậu đại dịch, chúng ta chỉ cần nhìn vào Dubai, nơi đã trở thành thiên đường hoàn hảo cho những người giàu có và muốn mua càng nhiều càng tốt” - một nhà quản lý quỹ cho biết.

Làn sóng di cư tăng mạnh và việc Dubai đăng cai tổ chức Hội chợ thế giới Expo 2020 đã giúp củng cố tăng trưởng GDP. Vào tháng 9, chính phủ thông báo Dubai dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 3,1% vào năm 2021, tiếp theo là mức tăng trưởng 3,4% vào năm 2022. Sự hồi sinh của thành phố đã khuyến khích quyết định cải tạo các thị trường vốn của Dubai. “Thị trường chứng khoán được cho là phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Hiện tại, nền kinh tế của chúng ta đang hoạt động tốt, vì vậy chúng tôi đang hành động để giải quyết các vấn đề" – một quan chức cho biết.

Theo vị quan chức này, tư nhân hóa một phần các công ty nhà nước cũng sẽ giúp thị trường của Dubai phản ánh tốt hơn nền kinh tế đa dạng của thành phố. Lịch trình chi tiết của các đợt IPO sẽ phụ thuộc vào dung lượng của thị trường và nhu cầu đối với các niêm yết như vậy. Thành phố cố gắng thu hút nhiều lĩnh vực khác nhau để mang lại sự cân bằng cho một thị trường vốn có truyền thống bị chi phối bởi bất động sản và dịch vụ tài chính.

Nỗ lực tạo tiếng vang

Hiện tại, Dubai đang nỗ lực với thương vụ phát hành cổ phiếu của Cơ quan Điện và Nước Dubai (Dewa), tìm kiếm mức định giá tiềm năng từ 100 tỷ Dh (27,2 tỷ USD) trở lên, cũng như thành lập quỹ tạo lập thị trường 2 tỷ Dh (0,54 tỷ USD). Các quan chức cho biết mục đích là để lại một số “room” định giá cho các nhà đầu tư để đảm bảo các vụ niêm yết thành công trong tương lai và xây dựng niềm tin của công chúng vào thị trường. Tarek Fadlallah, giám đốc điều hành ở Trung Đông của Nomura Asset Manage, cho biết: “Việc niêm yết Dewa là một bước tiến lớn trong chiến dịch rất cần thiết để vực dậy thị trường vốn trong nước. Nó sẽ tạo tiếng vang cho các vụ niêm yết tiếp theo và định hình cách nhìn nhận chúng, đặc biệt là bởi các nhà đầu tư cẩn trọng”.

Tecom, một đơn vị của Dubai Holding, thuộc sở hữu của nhà lãnh đạo Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum, cũng được đưa vào niêm yết. Chính phủ cũng đã công bố kế hoạch tư nhân hóa một phần hệ thống thu phí đường bộ của Salik. Emirates, hãng hàng không nổi tiếng thế giới của chính phủ Dubai, cũng có thể nằm trong kế hoạch, theo tiết lộ từ Chủ tịch của hãng tại Triển lãm Hàng không Dubai tháng 11. Trong khi đó, các quan chức cho biết các công ty con của Emirates và các cổ phần trong lĩnh vực hàng không khác là những mục tiêu IPO ngay trước mắt.

Chúng bao gồm hoạt động kinh doanh hàng hóa của hãng hàng không, chi nhánh dịch vụ mặt đất và chương trình khách hàng thân thiết Skywards của hãng. Cửa hàng miễn thuế của sân bay Dubai cũng thường được nhắc đến như một nơi tiềm năng. Ngoài ra còn có DP World, nhà điều hành cảng và hậu cần thuộc sở hữu của chính phủ, là một thương hiệu toàn cầu nổi tiếng khác với 137 pháp nhân, trải dài từ các bến container đến các khu kinh doanh và dịch vụ hàng hải.

Chiến lược thị trường vốn mới đang được thực hiện bởi một ủy ban do Sheikh Maktoum bin Mohammed al-Maktoum đứng đầu. Sheikh Maktoum là nhà lãnh đạo thứ hai của Dubai kiêm Bộ trưởng Tài chính của UAE, nhiệm vụ của ông là thúc đẩy "tính minh bạch" của thị trường để phục hồi nền kinh tế trong nước. Một quan chức cho biết: “Sự nghiêm túc của chính phủ trong vấn đề này đã khôi phục niềm tin cho thị trường.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn hoài nghi. Một nhà quản lý quỹ cho biết: “Cải thiện quy định là một bước đi đúng hướng, nhưng Dubai vẫn có tiếng xấu, như kỷ lục kém về quy định và lo ngại về rửa tiền đã cản trở dòng vốn nước ngoài”.

Các tin khác