(ĐTTCO) - Hàng ngàn người xuống đường ở Đức cuối tuần qua để thể hiện sự giận dữ với chính sách mở cửa cho người nhập cư của Thủ tướng Angela Merkel.
Biểu tình phản đối người nhập cư ở Cologne, Đức ngày 9-1 - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, hôm qua cảnh sát Đức đã phải sử dụng vòi rồng để trấn áp những người biểu tình cực hữu chống chính sách rộng cửa với người nhập cư tại thành phố Cologne.
Mấy ngày qua tình hình đang sục sôi do truyền thông đưa tin có 400 phụ nữ tố cáo bị tấn công, cướp bóc, quấy rối tình dục vào đêm giao thừa tại khu vực nhà ga Koln. Một người phát ngôn cảnh sát thừa nhận: “Những vụ việc đêm giao thừa gây nhiều bức xúc. Chúng tôi sợ những bức xúc đó sẽ bùng nổ”.
Hung thủ chính là người nhập cư
Quả thật, làn sóng phản đối từ người dân bùng lên sau khi cảnh sát Đức xác nhận nhiều người đang xin tị nạn vào Đức, nhập cư trái phép nằm trong nhóm đối tượng tình nghi thực hiện các vụ tấn công. Trong số 32 nghi can, có đến 18 người đang chờ xét tị nạn. Các vụ tấn công tương tự cũng xảy ra ở những thành phố khác như Frankfurt, Hamburg.
Cảnh sát cho biết khoảng 1.700 người tham gia cuộc tuần hành được tổ chức bởi phong trào chống Hồi giáo PEGIDA. Họ ném chai lọ, pháo vào cảnh sát và hô các khẩu hiệu như: “Bà Merkel phải ra đi”, “Những kẻ tị nạn hiếp dâm không được chào đón”. Thậm chí một băngrôn của nhóm phụ nữ biểu tình viết: “Tất cả bình xịt cay ở Cologne đã được bán sạch, làm sao để chúng tôi được an toàn?”.
Ngay trước khi các cuộc biểu tình bùng nổ, Thủ tướng Angela Merkel đã có những tuyên bố cứng rắn thể hiện sự thay đổi đầu tiên trong quan điểm của bà về vấn đề người nhập cư và trái ngược hoàn toàn với những lời lạc quan trước đó.
Phát biểu tại Mainz ngày 9-1, bà Merkel thừa nhận “các sự việc đêm giao thừa khiến chúng ta nhìn lại những thách thức theo một góc độ khác mà trước đó chúng ta chưa từng cân nhắc đến”.
Bà khẳng định rằng cần phải thay đổi các luật pháp hiện hành liên quan đến người tị nạn, theo đó bất cứ người tị nạn nào phạm pháp và bị tuyên án tù, cho dù là án treo, cũng đều sẽ bị tước bỏ quyền hưởng quy chế tị nạn và bị trục xuất khỏi Đức.
“Những kẻ phạm tội hàng loạt thường xuyên cướp bóc, quấy rối phụ nữ phải nhận thức rõ sức mạnh của pháp luật” - bà Merkel nói. Bà Merkel cam kết sẽ hành động để bảo vệ không chỉ các công dân Đức mà cả những người tị nạn vô tội, nhưng nhấn mạnh về dài hạn sẽ hạn chế dần dòng người nhập cư vào Đức.
Đảng Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của bà thủ tướng cũng tuyên bố muốn bỏ bớt các trở ngại trong việc trục xuất những người nước ngoài phạm tội. Theo luật hiện tại, người tị nạn sẽ chỉ bị trục xuất nếu họ bị phạt tù ít nhất 3 năm và không bị nguy hiểm đến tính mạng khi sống ở quê nhà.
CDU cũng kêu gọi nâng hành vi sờ soạng phụ nữ thành tội hình sự và tăng hình phạt đối với các vụ quấy rối tình dục. “Vụ Cologne đã thay đổi tất cả” - ông Volker Bouffier, một thành viên cấp cao của CDU, tuyên bố. Tuy nhiên, các biện pháp còn phải chờ quốc hội thông qua.
Theo giới phân tích, Thủ tướng Merkel đang đứng trước sức ép phải thuyết phục người dân rằng bà có một kế hoạch dài hạn để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư và phải làm rõ những giới hạn mà nước Đức có thể chấp nhận được.
Châu Âu lo ngại
Nhiều nước châu Âu nhìn rõ sự việc Cologne không chỉ là bài học cho riêng nước Đức khi mà số người tị nạn đổ vào châu lục này trong năm 2016 được dự báo có thể lên đến 1 triệu người.
Chính trị gia Nigel Farage của Anh mới đây cảnh báo những người tị nạn phạm tội tại Đức sẽ sớm đi vào Anh theo quy chế tự do đi lại.
“Hơn 1 triệu người vào Đức năm ngoái, có quá nhiều nam thanh niên là người di cư vì lý do kinh tế và họ thậm chí chẳng biết ơn người đã cho họ nơi ở mới - ông Farage nói trên LBC Radio - Nếu cho phép một con số không giới hạn những người thuộc các văn hóa khác nhau với quan điểm khác nhau, chẳng hạn về vai trò của phụ nữ trong xã hội, đi vào đất nước thì chúng ta đang rước lấy rắc rối”.
Ngoài ra, giới quan sát nhận thấy 2/3 người nhập cư vào châu Âu là nam giới, một yếu tố có thể gây mất cân bằng giới tính tại nhiều nước. Giáo sư Valerie Hudson thuộc Đại học A&M Texas (Mỹ) dẫn chứng: “Nhìn vào những thiếu niên nhập cư 16-17 tuổi vào Thụy Điển phần lớn là độc thân và 90% là nam giới và điều đó làm lệch nghiêm trọng tỉ lệ giới tính trong nhóm tuổi này tại Thụy Điển. Đây là điều rất bất thường”.
Theo Washington Post, nhiều nước châu Âu đã bắt đầu siết các biện pháp hạn chế dòng người nhập cư, chẳng hạn Slovakia chỉ tiếp nhận người theo đạo Thiên Chúa. “Đa văn hóa chỉ là sự ảo tưởng.
Một khi cho phép người di cư vào, chúng ta có thể đối mặt với những vấn đề tương tự” - Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói về các vụ tấn công ở Đức.
Trong khi đó, Thủ tướng Viktor Orban của Hungary nhắc lại lời kêu gọi đóng cửa biên giới đối với người nhập cư và gọi cuộc khủng hoảng nhập cư và nghèo đói là hai vấn đề sống còn của châu Âu trong năm 2016.