Đức kỳ vọng tăng trưởng nhờ người nhập cư

Trong bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đang yếu đi, chính phủ Đức dự báo tiêu dùng cá nhân mạnh và chi tiêu chính phủ liên quan đến người nhập cư tăng sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2015 và năm tới.

Trong bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đang yếu đi, chính phủ Đức dự báo tiêu dùng cá nhân mạnh và chi tiêu chính phủ liên quan đến người nhập cư tăng sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2015 và năm tới.

Tỷ lệ người có việc làm cao kỷ lục (43,3 triệu người vào năm 2016), tiền lương tăng và giá cả tương đối ổn định khuyến khích chi tiêu của hộ gia đình, trong khi giá xăng dầu rẻ khiến người tiêu dùng bớt ngần ngại khi mở hầu bao.

Bộ trưởng Kinh tế-Năng lượng Đức Sigmar Gabriel nhận định chi tiêu tiêu dùng duy trì đà tăng trưởng ổn định, bất chấp triển vọng toàn cầu ảm đạm, sẽ tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế Đức. Theo dự báo của Bộ Kinh tế-Năng lượng Đức, nhu cầu nội địa ước tính tăng lần lượt 1,7% và 2% trong năm nay và năm sau.

Trong khi đó, theo ông Gabriel, việc chính quyền liên bang và địa phương Đức sẽ chi tới 10 tỷ EUR để cung cấp nơi ăn ở cho người di cư, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, tìm việc làm… có vai trò như một gói kích thích kinh tế nhỏ.

Về ngoại thương, các doanh nghiệp Đức vẫn được hưởng lợi nhờ đồng EUR yếu. Xuất khẩu ước tăng 5,4% trong năm 2015 và 4,2% năm 2016, trong khi nhập khẩu cũng tăng mạnh. Dựa vào yếu tố trên, chính phủ Đức vẫn giữ nguyên dự báo GDP sẽ tăng ở mức 1,8% trong năm 2016 dù hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế trong năm 2015 xuống 1,7%, từ con số 1,8% đưa ra hồi tháng 4.

 Về khoản đầu tư cho người di cư, rất nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế nhận định đây là một kế hoạch đầu tư có lợi cho tương lai của Đức, đất nước đang đối mặt với tình trạng lão hóa dân số. Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Natixis (Pháp), mỗi năm Đức thiếu 400.000 người lao động. Khoản thiếu hụt đó sẽ nhân lên gấp đôi trong 5 năm nữa.

Điều này đồng nghĩa với việc tới năm 2020 Đức sẽ thiếu đến 800.000 người giúp cỗ xe kinh tế tiến lên phía trước. Kèm theo đó là những hậu quả tai hại cho đà tăng trưởng, quỹ an sinh xã hội và quỹ lương hưu của quốc gia này. Đó chính là lý do không mấy ai ngạc nhiên khi Berlin đề ra mục tiêu tiếp nhận 800.000 người tị nạn trong năm nay.

Tiêu dùng nội địa là một yếu tố quan trọng giúp kinh tế Đức tăng trưởng.

Tiêu dùng nội địa là một yếu tố quan trọng giúp kinh tế Đức tăng trưởng.

Chủ tịch Hiệp hội các tập đoàn công nghiệp của Đức Ulrich Grillo cũng tỏ ra hết sức thực tế khi thừa nhận kinh tế Đức đang thiếu nhân công. Trong mùa hè năm nay, trên cả nước Đức có 80.000 chỗ dành cho các thực tập viên bị bỏ trống. Dân số quốc gia này đang trên đà lão hóa, sẽ thiếu người lao động.

Việc đón nhận người di cư cũng gây nhiều tốn kém nhưng trong thời gian ngắn tới, người di cư này sẽ là lực lượng tiêu dùng tạo đà cho tăng trưởng của Đức. Về lâu dài, những người trốn chạy khỏi xung đột, chiến tranh này sẽ là những đôi tay làm ra của cải, cùng với người dân Đức đóng thuế cho nhà nước.

Jean-Christophe Dumont, người đứng đầu về vấn đề di cư của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nói: “Không thể phủ nhận chính sách đón tiếp người di cư đòi hỏi nhiều về phương diện tài chính. Tuy nhiên, khoản ngân sách dự trù 10 tỷ EUR để đón nhận 800.000 người nhập cư là một dạng đầu tư. Khi hội nhập được vào với xã hội của Đức, mỗi người nước ngoài sẽ chia sẻ gánh nặng với người dân bản địa để đóng góp vào các quỹ an sinh xã hội, đóng thuế để tài trợ các chương trình chi tiêu công cộng”.

(Tổng hợp)

Các tin khác