Đức muốn hợp tác với Việt Nam về trí tuệ nhân tạo

(ĐTTCO) - Ngày 14-2, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện sắp được tổ chức nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (23-9-1975).

Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Margarete Barth, Đại sứ Đức tại Việt Nam cho biết, dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Đức - Việt Nam là cơ hội để hai bên nhìn về quá khứ cũng như nhấn mạnh hơn hiện tại và hướng tới triển vọng, tiềm năng hợp tác ở tương lai trên nhiều lĩnh vực.

Bà Helga Margarete Barth khẳng định hợp tác nhân dân là nền tảng giữa hai quốc gia, là động lực để triển khai hợp tác trên nhiều khía cạnh văn hóa cũng như kinh tế thời gian qua. Điều này thể hiện qua việc hàng năm có hàng nghìn du khách Đức đến du lịch tại Việt Nam. Riêng năm 2024 đã có hơn 250.000 du khách Đức đến Việt Nam, lượng khách du lịch Đức đến Việt Nam chỉ xếp sau Pháp trong khu vực châu Âu. Ở chiều ngược lại, hiện có hơn 200.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập, công tác tại Đức.

IMG_20250214_101102.jpg
Bà Margarete Barth, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp báo

Đánh giá về hợp tác kinh tế, đầu tư Đức - Việt Nam, Đại sứ Đức Helga Margarete Barth cho rằng Việt Nam đã có quá trình mở cửa hội nhập rất thành công, quá trình mở cửa này tạo cơ hội cho hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai bên phát triển. “Nước Đức cũng đã hiện diện nổi bật tại Việt Nam, trong đó Đức đang đầu tư hơn 3,6 tỷ USD, 530 doanh nghiệp Đức kinh doanh thành công tại Việt Nam, cung cấp khoảng 50.0000 việc làm”, bà Helga Margarete Barth thông tin.

Về quan hệ thương mại song phương, bà Helga Margarete Barth nhấn mạnh rằng đang phát triển tích cực, nhất là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đi vào thực thi đã góp phần đưa kim ngạch thương mại Đức - Việt Nam năm 2024 đạt 8,8 tỷ EUR. Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. “Cán cân thương mại EU - Việt Nam đang phát triển theo hướng có lợi cho Việt Nam khi EVFTA thực thi, đã có nhiều sản phẩm Việt Nam hiện diện tại thị trường EU cũng như Đức”, bà Helga Margarete Barth dẫn chứng.

Về hợp tác giáo dục cũng được hai bên đẩy mạnh. Hiện nay, học bổng của Chính phủ Đức (chương trình DAAD) đã được trao cho hơn 1.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Về những lịch vực mới mà Đức muốn ưu tiên hợp tác với Việt Nam, Đại sứ Margarete Barth cho biết, Đức muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam là an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo. Có nhiều doanh nghiệp hoạt động tích cực trong lĩnh vực này ở Việt Nam và quan tâm hợp tác với phía Đức. Đại sứ Đức cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều sản phẩm của Việt Nam, nhất là hàng điện tử, thực phẩm, trong đó có cả nước mắm, sẽ được xuất khẩu sang Đức.

Các tin khác