Đến thời điểm này, nhiều trường đã công bố điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và điểm sàn nhìn chung cao hơn năm 2019 ít nhất 1 điểm. Các trường cũng công bố danh sách thí sinh (TS) trúng tuyển theo phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT, xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Chỉ tiêu còn lại của các trường hiện nay tập trung cho chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, nếu TS không có sự tính toán để điều chỉnh nguyện vọng (NV), chủ quan với điểm thi cao thì sẽ rất dễ rơi vào tình cảnh điểm cao vẫn rớt.
Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ vào Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM. Ảnh: THANH HÙNG
Điểm chuẩn sẽ rất cao
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 ở mỗi môn tăng hơn năm 2019 khoảng 1 điểm, nên tổng điểm 3 môn trong mỗi tổ hợp xét tuyển cũng sẽ tăng tương ứng. Từ thống kê TS đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho thấy: tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) có 289.313 TS; tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) có 276.896 TS; B00 (Toán, Hóa, Sinh) có 284.020 TS; D01 (Toán, Văn, Anh) có 745.527 TS; C01 (Văn, Sử, Địa) có 540.279 TS. Cả nước có hơn 643.000 TS đăng ký xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (ngành Sư phạm mầm non) bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Th.S Phùng Quán, Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) phân tích: So sánh điểm từng môn giữa năm 2019 và 2020 sẽ thấy điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái. Trong đó, tăng ít nhất là môn tiếng Anh, điểm trung bình cao hơn 0,22 điểm; chênh lệch nhiều nhất là môn Hóa với 1,36 điểm. Kết hợp hai yếu tố này, dự đoán điểm chuẩn cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi chắc chắn sẽ tăng. Điểm số tăng ở từng tổ hợp có thể theo hướng sau: Điểm thi mỗi môn tăng hơn năm 2019 khoảng 1 điểm nên tổ hợp A00 sẽ tăng hơn 3,0 điểm; tổ hợp A01 tăng hơn 2,5 điểm; B00 tăng hơn 3,0 điểm; D01 tăng hơn 2,5 điểm; C01 tăng gần 3,0 điểm.
Nhìn tổng thể, các ngành có TS quan tâm điểm chuẩn sẽ tăng mạnh. Cụ thể như khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) điểm chuẩn tăng không nhiều nhưng ngành Công nghệ sinh học sẽ tăng nhiều nhất từ 2-3 điểm. Hiện tại có hơn 30.000 TS trên 24 điểm. Khối ngành V (Toán, CNTT, Kỹ thuật công nghệ, Chế biến, Xây dựng, Kiến trúc, Nông lâm, Thủy sản, Thú y) điểm chuẩn tăng 1-2 điểm, trong đó Hóa học sẽ tăng từ 1 - 3 điểm. Đặc biệt, nhóm ngành CNTT tăng 2 - 4 điểm do số lượng TS đăng ký nhiều nhất. Khối ngành VI (khối ngành Sức khỏe) tăng 2 - 3 điểm.
Tuy nhiên, ngoài các ngành như CNTT, Công nghệ sinh học, Hóa học, Quan hệ quốc tế, Truyền thông, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh đối ngoại, Luật thương mại quốc tế, Luật kinh doanh… điểm chuẩn tăng thì các ngành khác điểm sẽ không tăng nhiều và thậm chí nhiều ngành có TS đăng ký rất ít.
Thí sinh phải thận trọng
Cùng với kết quả phân tích trên, hiện nay nhiều trường đã bắt đầu thống kê và đưa ra mức điểm sàn xét tuyển cho TS xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp, khá cao so với năm 2019. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, dự báo điểm sàn với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 từ 20 - 26 điểm tùy ngành (năm 2019 điểm sàn của trường 15-24 điểm). Trong đó, điểm sàn ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo dự kiến 26 điểm. Nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, CNTT, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế, Sư phạm tiếng Anh: 23,5 điểm. Những ngành còn lại 20-22,5 điểm. Điểm chuẩn của trường năm 2019 từ 18-25,2 điểm. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM điểm sàn 15-20 điểm. Nhiều ngành như Công nghệ thực phẩm, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống điểm sàn 20 điểm. Những ngành còn lại điểm sàn 15-19 điểm. Trong khi, điểm chuẩn năm 2019 của trường 15-20,25 điểm...
Th.S Phùng Quán cho biết: Do ảnh hưởng của Covid-19, các trường ĐH điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào điểm tốt nghiệp giảm nhiều so với năm 2019. Tùy từng trường, chỉ tiêu tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ còn từ 35% - 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Do đó, cạnh tranh đối với TS dùng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ rất gay gắt.
Xét một cách tổng thể sẽ dễ nhận thấy điểm chuẩn năm nay sẽ rất cao. Ngoài chỉ tiêu tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhiều trường công lập lớn (trừ khối ngành sức khỏe) còn sử dụng tuyển thẳng TS trường chuyên, xét điểm học bạ, thi đánh giá năng lực... Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy chỉ tiêu xét tuyển học bạ năm 2020 cao hơn rất nhiều so với 2019. Chính vì vậy, TS hết sức thận trọng để tính toán khi điều chỉnh NV.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, nếu TS chủ quan thì điểm cao vẫn có thể rớt, nhất là ở những ngành, trường tốp đầu. Khi điều chỉnh NV, TS phải biết người biết ta, nếu điểm thi cao hơn từ 3 điểm so với điểm chuẩn năm 2019 thì có thể yên tâm. Nếu điểm chỉ cao hơn 1-2 điểm thì nên đăng ký vào những ngành mình yêu thích ở những trường khác, cơ hội sẽ cao hơn.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM nhận định: Ở những trường tốp trên điểm chuẩn năm nay sẽ tăng rất nhiều, nhất là khối trường y và nhóm ngành sức khỏe. Trường tốp giữa điểm tăng 1-2 điểm tùy ngành. Trường tốp dưới, các trường ngoài công lập, các trường ĐH địa phương điểm chuẩn không biến động nhiều. Điều quan trọng là TS phải lựa chọn ngành mình yêu thích và phù hợp năng lực (mức điểm) khi thực hiện điều chỉnh NV. Nếu mức điểm không quá cao so với điểm chuẩn 2019, ngoài điều chỉnh NV, TS có thể chọn xét tuyển bằng điểm học bạ để tăng cơ hội trúng tuyển. Cơ hội vào ĐH năm nay nhiều hơn cho TS vì các trường có nhiều phương án xét tuyển, nhưng tận dụng cơ hội đó như thế nào là do TS quyết định.
Để đảm bảo công bằng và tạo thuận lợi cho việc xét tuyển thí sinh thi tốt nghiệp đợt 2, Bộ GD-ĐT đã cho lùi thời hạn điều chỉnh NV so với quy định trước đây. Cụ thể, điều chỉnh NV thực hiện từ ngày 19 đến 17 giờ ngày 25-9 với phương thức trực tuyến và điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển từ ngày 19 đến 17 giờ ngày 27-9. |