Đừng để việc đo nồng độ cồn thành nỗi ám ảnh của người dân

(ĐTTCO) - Chưa bao giờ câu chuyện nồng độ cồn khi tham gia giao thông lại trở nên nóng bỏng như bây giờ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những đợt ra quân thường xuyên của lực lượng cảnh sát giao thông, những chốt kiểm tra nồng độ cồn được thiết lập nhiều nơi, không chỉ khiến các “ma men” bừng tỉnh, cũng khiến những người dân bình thường băn khoăn.

Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, việc kinh doanh quán xá ế ẩm dẫn đến nhiều ái ngại cho thu nhập lao động phổ thông. Xoay quanh nỗi ám ảnh về nồng độ cồn trong đời sống xã hội, có lẽ cần phải soi rọi thấu đáo hơn.

Không ai ủng hộ các “ma men”. Trước tiên cần khẳng định như vậy.

Ở nước ta, thói quen cụng ly “dzô dzô” đã rất phổ biến. Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia trên đầu người. Còn theo đại diện của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia.

Thế nhưng, khi áp dụng quy định nồng độ cồn bằng 0 đối với người điều khiển phương tiện giao thông, lại nảy sinh không ít hệ lụy.

Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ, tuy không khuyến khích ngành công nghiệp rượu bia, nhưng đây cũng là nguồn thu nhập cho lao động nhóm phi chính thức, nếu cấm chặt quá cũng ảnh hưởng rất nhiều.

Còn đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng cần nghiên cứu một tỷ lệ nhất định để giới hạn nồng độ cồn cho phép trong khí thở và trong máu, không nhất thiết cứ có nồng độ cồn là xử phạt. Luật các nước trên thế giới về cơ bản họ đều có tỷ lệ nhất định, Việt Nam cũng nên nghiên cứu để có sự điều chỉnh phù hợp.

Có không ít ý kiến băn khoăn quy định nồng độ cồn phải bằng 0 khi lái xe là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan nhận định, quy định “điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” còn chung chung, mà nên nêu rõ “có nồng độ cồn” hay “có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép”. Chắc chắn phải hạn chế những người lạm dụng rượu bia vì gây nhiều tác hại, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn giao thông.

Tuy nhiên, việc hạn chế rượu bia cần quy định lại thật cụ thể theo hướng có thể lựa chọn mức nồng độ cồn thấp, không được vượt quá, để làm sao người dân ý thức được nồng độ cồn trong máu ở mức bao nhiêu là được, chứ không phải “cứ thổi là dính”.

Tương tự, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà đề nghị cơ quan soạn thảo có thể tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia, không nên quy định nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức bằng 0, để tránh tình trạng người được kiểm tra “dương tính giả” với nồng độ cồn. Bởi lẽ, theo nghiên cứu y học, ở trạng thái bình thường của cơ thể trong máu luôn duy trì nồng độ cồn nhất định ở mức 0,03% hoặc có trường hợp trong cơ thể có nồng độ cồn do các yếu tố như ăn, uống các thực phẩm lên men trong dạ dày, thuốc điều trị.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, hiện có hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ quy định giới hạn nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức lớn hơn 0.

Do đó, Việt Nam nên áp dụng quy định “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1 lít khí thở” để phù hợp với các quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, ngày 28-12-2021 của Chính phủ), và tránh việc điều luật bị hiểu theo hướng cứ có nồng độ cồn là vi phạm.

Thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Tuy nhiên, nồng độ cồn bao nhiêu thì mất kiểm soát, rất khó đoán định, vì tùy thuộc vào sức khỏe và thể trạng của từng người. Để triệt để “không có nồng độ cồn”, phải có lộ trình để cộng đồng thích ứng. Đùng một cái, áp dụng “thổi” ai cũng ngỡ ngàng. Hơn nữa, kiểm soát nồng độ cồn để đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ nòi giống, chứ không thể chỉ để xử phạt.

Nói thêm về việc xử phạt, trước đây Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, với mức xử phạt của nhiều hành vi nâng lên rất cao, việc lực lượng công an được giữ lại 70% số tiền xử phạt đã có những phản ứng không đồng thuận.

Bộ Tài chính khẳng định theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Thông tư 153, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 lại có thêm điều khoản “Bố trí dự toán chi ngân sách cho Bộ Công an tương ứng 85% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông ngân sách trung ương được hưởng năm 2022 (riêng khoản kinh phí cho nhiệm vụ hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện của lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện theo quy định tại Khoản 10 điều này); đồng thời bổ sung có mục tiêu cho các địa phương tương đương 15% số thu còn lại, để phục vụ công tác của các lực lượng khác tại địa phương tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.

Sự nghiêm khắc của cảnh sát giao thông với vi phạm nồng độ cồn là trách nhiệm đáng hoan nghênh. Sự nghiêm khắc ấy còn đáng hoan nghênh hơn, nếu 85% số tiền xử phạt đối tượng vi phạm nồng độ cồn không được giữ lại cho cảnh sát giao thông, mà dùng vào quỹ xóa đói giảm nghèo hoặc xây trường học, bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa.

Các tin khác