“Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè…” chỉ là câu cửa miệng nói cho vui, chứ nông dân luôn “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” để tiếp tục mùa vụ mới.
Thậm chí, trong các ngày “nông nhàn”, một bộ phận nông dân còn biến mình thành người buôn bán ở chợ hoặc trở thành người thợ thủ công để kiếm thêm thu nhập. Đó chính là nguồn gốc của các khu chợ chỉ họp vào ngày Tết Nguyên đán như Phiên chợ Thiều (Thanh Hóa), chợ đình Bích La (Quảng Trị), chợ Gia Lạc (Huế), chợ Gò (Bình Định)...
Hiện nay, sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã làm xuất hiện một bộ phận giàu có trong xã hội. Với họ, ngày nào cũng có thể là Tết Nguyên đán, vì họ thụ hưởng thường xuyên và quá đầy đủ vật chất lẫn tinh thần. Nên Tết đến xuân về họ mất đi cảm giác mong mỏi một cái Tết sung túc, Tết đoàn viên.
Từ đó nảy sinh ý kiến đòi xóa Tết Nguyên đán, gộp Tết Nguyên đán với Tết Dương lịch. Thực ra, đa phần người Việt vẫn còn khó khăn và phải “tha phương cầu thực”, nên một khoảng thời gian đủ đầy cả vật chất, tinh thần lẫn thời gian như Tết vẫn có ý nghĩa thật thiêng liêng!
Trong những cái khổ của con người, như Phật giáo đã chỉ ra là do “ái biệt ly khổ”. Nghĩa là thương nhớ, muốn gặp mặt, muốn đoàn tụ mà phải xa nhau nên khổ. Thử hỏi ai làm việc cực nhọc quanh năm suốt tháng, xa quê, xa gia đình, xa bạn bè, xa người yêu... lại không có tâm lý thích được có một khoảng thời gian đủ dài để gặp lại người thân, để giải tỏa những tâm tư tình cảm?
Vậy khoảng thời gian phù hợp nhất là khi nào? Đó chính là Tết Nguyên đán. Lúc đó, người ở quê cũng đang nghỉ ngơi sau vụ mùa, nên người xa quê về cũng có thể chung vui được. Nếu bỏ Tết Nguyên đán và chỉ nghỉ vào Ngày Năm mới (New Year’s Day) như ở phương Tây, người làm ăn xa quê làm sao có thể về kịp? Làm sao họ có thể duy trì truyền thống tốt đẹp “Mồng Một Tết Cha, Mồng Hai Tết Mẹ, Mồng Ba Tết Thầy”?