(ĐTTCO) - Một loạt CP mới lên sàn và tăng giá mạnh, đã giúp cho nhiều NĐT thắng lớn cũng như tạo ra sự sôi động không kém gì giai đoạn 2006-2007.
Siêu lợi nhuận
Vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan mà sức hút dành cho những CP mới lên sàn rất lớn. Nhưng về mặt dài hạn, thị giá của CP sẽ phải tiến gần với giá trị thực, những ngoại lực hỗ trợ mang tính ngắn hạn sẽ không còn. Dù vậy, sự mới mẻ của nhiều mặt hàng mới trên sàn sẽ tạo ra nhiều kỳ vọng hơn, cũng như đem đến nhiều dòng tiền mới hơn. |
Chào sàn HOSE với giá 110.000 đồng/CP, SAB (Sabeco) chỉ mất 10 phiên để tăng gấp đôi lên 225.000 đồng/CP. Thời điểm cách đây vài tháng, khi thông tin SAB chuẩn bị niêm yết xuất hiện trên thị trường, giá CP này trên thị trường OTC được giao dịch ở mức 8.0 và càng gần tới ngày niêm yết càng tăng. Tính ra nếu mua SAB trên thị trường OTC với giá 8.0 và có thể “xả” ở đỉnh 22.5 vào ngày 16-12, tài khoản của NĐT đã nhân gấp 3 lần. Thực tế, sau khi IPO, có một quãng thời gian thị trường diễn biến không thuận lợi, có những giao dịch của SAB trên thị trường OTC còn thấp hơn cả mức 7.0, như vậy ai mua càng thấp mà giữ đến giờ càng có lãi.
NĐT chú ý đến Sabeco vì thương hiệu quá lớn, nhưng thực tế suất sinh lời của BHN (Habeco) cũng khủng khiếp không kém. Ngày 28-10, BHN có phiên giao dịch đầu tiên tại UPCoM và đóng cửa tại mức giá 54.600 đồng/CP, nhưng đến ngày 8-11 giá của CP này đã lên đến gần 145.000 đồng/CP, tức tăng gần gấp 3 lần. 8 năm trước, giá đấu thành công trong đợt IPO của Habeco chỉ vào tầm 5.0, nghĩa là tại mức giá 14.5, nếu NĐT mua BHN từ thời IPO và giữ đến thời điểm đó cũng đã “nhân 3” tài khoản của mình.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, BHN lại tiếp tục có những diễn biến cực kỳ ngoạn mục. Từ mức giá 14.5, BHN liên tục điều chỉnh và có những lúc lao dốc chỉ còn chưa đến 9.0 (7-12), nghĩa là giảm đến 40% trong 1 tháng. Nhưng đó cũng là lúc BHN “bung lụa” lần thứ 2 khi tăng mạnh 8 phiên liền (trong đó có 6 phiên trần) để lên giá đỉnh gần 22.6, tức cũng không kém cạnh gì so với SAB. Trong đợt sóng thứ 2 này của BHN, nếu NĐT may mắn bắt đáy tại vùng giá 10.0, chỉ cần khoảng 2 tuần là tài khoản đã tăng gấp đôi.
Một ông lớn khác là ACV (TCT Hàng không Việt Nam) dù về mặt thị giá không hoành tráng như BHN, SAB nhưng tốc độ tăng trưởng cũng nhanh không kém. Hơn 1 năm trước, ACV tiến hành IPO và giá trúng thầu bình quân đạt hơn 1.4. ACV chọn một mức giá chào sàn UPCoM vào ngày 21-11 được cho là thấp với chỉ 2.5 và nhanh chóng tăng trần cũng như cháy hàng. 2 phiên sau đó, ACV tiến đến vùng đỉnh 4.6. Tức chỉ sau khoảng 1 năm tham gia đợt IPO của ACV, tài khoản của NĐT có cơ hội tăng gấp đôi hoặc gấp 3 khi công ty này đưa CP giao dịch tại UPCoM. Chưa dừng lại ở mức giá 4.6, ACV có một số phiên điều chỉnh về vùng 4.0 rồi tiếp tục có một đợt tăng mạnh lên đến 5.5 những ngày vừa qua. Nghĩa là NĐT không mua đợt ACV từ giá “gốc” (IPO) mà mua trên sàn, cũng có thể lãi 30-40%.
Không ai nghĩ BHN từ mức giá 5.5 vào cuối tháng 10 đến nay đã vọt lên đỉnh gần 22.6. |
Hàng mới dễ khan hàng
Hôm 20-12, FPT công bố đạt lợi nhuận trước thuế 2.631 tỷ đồng sau 11 tháng năm 2016, tăng 8% so với cùng kỳ, nhưng với con số này FPT cũng chỉ mới hoàn thành hơn 83% kế hoạch năm 2016. Mặc dù nhận được nhiều kỳ vọng từ việc phát triển thị trường ra nước ngoài, gia công phần mềm, tích hợp hệ thống sẽ tiếp tục phát triển khả quan trong năm 2017, tuy nhiên CP FPT trong khoảng chục phiên gần đây chỉ quanh quẩn ở ngưỡng 4.2. Năm nay tròn 10 năm FPT có mặt tại HOSE, không thể phủ nhận vị thế blue chips của CP này, nhưng NĐT cũng quá quen mặt với FPT, mà khi đã quen đôi khi dễ chán.
Trong khi đó, vào ngày 20-12, QNS (Đường Quảng Ngãi), công ty mẹ của Sữa đậu nành Vinasoy, thương hiệu sữa đậu nành hàng đầu Việt Nam, đưa 187,5 triệu CP lên giao dịch tại UPCoM với giá khởi điểm 8.0, bằng với giá giao dịch trên thị trường OTC trước đó. Ngay trong ngày đầu tiên có mặt trên sàn CK, QNS tăng kịch trần 40% đạt 112.000 đồng/CP.
Rõ ràng so với FPT hay VNM, QNS mới mẻ hơn hẳn. Và do cũng chỉ mới lên sàn, nên cũng như SAB, BHN, ACV... NĐT cũng thích theo dõi QNS diễn biến như thế nào cộng với những thông tin cơ bản kèm theo. Cần phải nhấn mạnh một điều, vì QNS mới nên dễ gây tò mò, lạ lẫm, việc dự báo giá là không dễ. CP mới lên sàn, còn quá ít dữ liệu để làm đầu vào cho phân tích kỹ thuật.
“Hút hàng” là một chuyện, chính lượng cung CP hạn chế cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều CP mới lên sàn, đặc biệt là các ông lớn tăng mạnh. Chẳng hạn với vị thế lớn, đương nhiên những cổ đông nắm giữ CP sẽ có suy nghĩ CP mình sẽ còn tăng trưởng về mặt dài hạn, nhất là sau khi lên sàn sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng nguồn lực. Hệ quả là áp lực bán ra chốt lãi sẽ không quá lớn, điều này góp phần quan trọng khiến cho lượng cung CP trên thị trường không nhiều và cơ cấu cổ đông không bị loãng.
CP bia dễ bị cô đặc
Một nguyên nhân quan trọng nữa chính là lượng CP lưu hành khá thấp của nhiều CP. Đơn cử, Bộ Công Thương hiện sở hữu gần 82% cổ phần BHN, còn của Casberg là hơn 17%, mà đây là 2 cổ đông lớn nên nếu muốn bán sẽ phải có kế hoạch, lộ trình chứ không phải muốn là đặt lệnh bán ngay. Nghĩa là số CP trôi nổi của BHN chỉ khoảng 1%, tương đương với 2,3 triệu CP, và trong số này chắc cũng có những người nắm CP với mục tiêu đầu tư dài hạn.
Con số 2,3 triệu CP là một con số lớn, chưa kể thanh khoản của BHN mỗi phiên chỉ tầm 130.000 CP. Nếu đặt trong trường hợp thị trường không thuận lợi, bị bán xối xả, số lượng hàng triệu CP không hề nhỏ. Nhưng hiện nay thị trường đang diễn biến thuận lợi, nhìn BHN, SAB hay một loạt CP bia vẫn tăng tích cực, chắc chắn nhiều NĐT sẽ có ý định giữ dài, điều này khiến cho lượng CP lưu hành thực sự trở nên bị cô đặc.
Tính đến ngày 20-12, sở hữu của khối ngoại tại SAB rơi vào tầm 9,5%, trong khi đó Bộ Công Thương cũng sở hữu 89,6% cổ phần SAB. Tất nhiên, khối ngoại cũng có người mua kẻ bán và không phải ai cũng giữ dài hạn, nhưng đối với một mặt hàng hấp dẫn như SAB, việc lướt sóng ngắn hạn chưa chắc đã hay và hợp với cách đầu tư của khối này.
Tức là tính ra cả khối ngoại (cứ tạm cho là phần lớn giữ dài) cũng như Bộ Công Thương đã nắm đến gần 99% cổ phần của SAB, và 1% còn lại của SAB “trôi nổi” trên thị trường cũng chỉ xấp xỉ 6,4 triệu CP, một con số cũng khá lớn đối với CP tốt. Nếu giữ vị thế vốn hóa nằm trong khoảng top 3 hoặc top 5 của thị trường, SAB sẽ tạo ra sức cầu mua vào để mô phỏng index (chỉ số CK) đối với nhiều tổ chức đầu tư.