Theo thống kê, chuỗi điều chỉnh trước đó khiến cho mặt bằng giá CP về mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay. Đây là yếu tố khiến cho bên nắm giữ quyết định găm hàng, thay vì bán tháo bằng mọi giá để cắt lỗ với nhận định VN Index đã tạo đáy.
Phía bên kia, lực cầu dù không quá mạnh nhưng cũng đủ sức “hấp thụ” toàn bộ nguồn cung “nhỏ giọt” từ bên nắm giữ. Tâm lý tích cực từ cả 2 phía đã giúp cho VN Index duy trì được sắc xanh trong toàn bộ thời gian của phiên sáng.
Dù vậy, NĐT vẫn “canh cánh” nỗi lo VN Index bị “đạp” ở phiên chiều do nguồn cung chu kỳ T+2,5. Thực tế, VN Index “rung lắc” mạnh trong những phút đầu của phiên chiều do lượng CP T+2,5 chính thức về tài khoản. Thế nhưng, nguồn cung giá rẻ này nhanh chóng bị “nuốt chửng” trước áp lực mua vào từ bên cầm tiền.
Nhờ vậy, VN Index kết phiên hôm nay tăng mạnh 26,12 điểm (tương đương 2,42%) lên 1.104,26 điểm. Trên bảng điện HoSE, sắc xanh trở lại khá ấn tượng với 392 mã tăng (33 mã tăng trần) so với 85 mã giảm (12 mã giảm sàn) và 55 mã đứng giá.
Bảng điện VN30 ghi nhận 27/30 mã tăng, 2 mã đứng giá là NVL và HDB. Mã duy nhất trong rổ VN30 kết phiên trong sắc đỏ là ACB (giảm 1%).
Đóng góp tích cực nhất vào đà tăng VN Index trong phiên hôm nay là các mã như: BVH (tăng 5%), CTG (6%), VHM (6,3%), VIC (5,3%), GVR (4,7%), KDH (5,2%), SSI (4,8%), PLX (3,1%), POW (4,3%).
Ngoài nhóm CP trụ trong rổ VN30 kể trên, VN Index còn nhận được lực đỡ từ nhóm ngành có tác động mạnh lên chỉ số như: ngân hàng, CK, bất động sản, dầu khí, thép. Theo thống kê, những mã tăng kịch trần trong phiên hôm nay đa phần đến từ các nhóm ngành này như: CII, DXG, EIB, HDC, HUB, ITC, LDH, LHG, NBB, NHA, ORS, PVD, SCR, VCI, VGC.
Việc thị trường cạn cung là nguyên nhân khiến cho thanh khoản xuống dưới mốc 10.000 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Cụ thể, có gần 452 triệu CP được chuyển nhượng, tương đương 9.414 tỷ đồng.
Phía sàn Hà Nội, HNX Index và UPCoM Index cũng nhất loạt tăng mạnh với số điểm tăng lần lượt là 6,51 điểm (2,76%) và 1,41 điểm (1,71%).