Việc CTCP Đầu tư Thế giới di động dự kiến niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM vào tháng 7 tới đang thu hút sự quan tâm không chỉ dành riêng cho DN này mà còn cho ngành bán lẻ điện máy vốn khá khốc liệt hiện nay.
Cuộc chiến thị phần
Nhìn vào bức tranh chung cả thị trường điện máy, có thể thấy trong khoảng thời gian từ năm 2005-2007 dù thị trường có mức tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng hầu như các nhà bán lẻ không có động thái mở rộng. Song từ năm 2010, các đơn vị đua nhau xây dựng trung tâm mới và cấu trúc lại hệ thống. Và miếng bánh thị trường đang được đánh giá khá “ngon ăn” lại gặp cơn bão khủng hoảng, sức mua của người tiêu dùng giảm sút nhanh chóng.
Điều này khiến nhiều thương hiệu trong ngành dần rơi rụng. Những cái tên như Wonder Buy, Best Carings, Home One… từng khiến dư luận xôn xao khi buộc phải đóng cửa. Mới đây nhất, một “ông lớn” của ngành điện máy phía Bắc là Pico sau một thời gian ngắn Nam tiến đã phải ra thông báo “tạm dừng hoạt động”.
Một số thương hiệu lớn khác tuy vẫn không ngừng mở rộng nhưng doanh thu lại sụt giảm như trường hợp của điện máy Trần Anh ở khu vực phía Bắc. Năm 2013, tổng doanh thu của Trần Anh gần 1.900 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với 2012, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 1,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 31 tỷ đồng năm trước đó.
Đường đua trong ngành điện máy đang ngày một khốc liệt. Nhưng trong mắt các nhà bán lẻ, miếng bánh thị phần vẫn còn khá hấp dẫn. Khi nói về tiềm năng tăng trưởng của chuỗi dienmay.com, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới di động, chia sẻ hiện đối thủ lớn nhất không chiếm quá 10% thị phần và 90% đang nằm “nát bét” ở các cửa hàng nhỏ lẻ trên khắp mọi nơi.
Ông Tài cũng cho biết thời gian tới chuỗi dienmay.com sẽ có sự tăng tốc mạnh mẽ để chiếm thị phần với kế hoạch mở khoảng 25-30 siêu thị trong năm 2014 này. Theo phân tích của một số người làm trong ngành, về lý thuyết, ngành điện máy vẫn còn khoảng trống để các nhà bán lẻ khác chen chân vào. Song thực tế, nếu không khéo vẫn dễ dàng “chết ngộp”.
Thị trường điện máy tại 2 khu vực Nam và Bắc đang nổi lên một số cái tên chính. Tại khu vực phía Nam, Nguyễn Kim vẫn gần như giữ vị trí thống lĩnh và mục tiêu của nhà bán lẻ này là đến năm 2015 sẽ chiếm khoảng 30-40% thị phần cả nước. Tiếp theo đó vẫn là những cái tên quen như dienmay.com, Thiên Hòa, Chợ Lớn…
Còn tại khu vực phía Bắc có thể nhắc đến Pico, Trần Anh… Để tăng doanh thu, hầu hết các nhà bán lẻ đều tung ra những chương trình khuyến mại khủng. Nhưng theo chia sẻ của một người có kinh nghiệm trong ngành, khuyến mại chỉ chiếm 5% quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Các DN còn phải nỗ lực rất nhiều trong các khâu như chăm sóc khách hàng, hậu mãi, bảo hành, sửa chữa… Cuộc chiến giành thị phần giữa các thương hiệu sẽ còn nhiều thách thức khi việc xê dịch “vào Nam, ra Bắc” vẫn được nhiều thương hiệu quan tâm trong chiến lược phát triển của mình.
Tìm lợi thế riêng
Nói về trở ngại trong việc đẩy nhanh chuỗi dienmay.com, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng đó chính là yếu tố mặt bằng, vì trung tâm điện máy thường đòi hỏi mặt bằng lớn. “Những khu đất lớn thường không thuộc chủ quyền tư nhân. Và chúng tôi không có thế mạnh trong việc thuê đất không thuộc chủ quyền tư nhân” - ông Tài nói.
Tuy nhiên, dienmay.com đã biến thách thức này thành lợi thế của riêng mình khi điều hành những trung tâm có diện tích khoảng 1.000-1.500m2 (cái nhỏ nhất hiện nay là 900m2 tại Phan Thiết), vì theo lãnh đạo của dienmay.com, diện tích nhỏ sẽ phù hợp cho chiến lược tiến về các vùng nông thôn của DN này.
Nguyên giám đốc một chuỗi siêu thị điện máy khác tại TPHCM cũng chia sẻ cuộc chiến giành mặt bằng trong ngành bán lẻ nói chung và bán lẻ điện máy nói riêng hết sức khốc liệt. Để giành được những khu đất rộng, vị trí đẹp chưa bao giờ là đơn giản. Nhìn lại thời điểm Pico Nam tiến, nhiều người đã nghĩ đến một cú chiếm lĩnh thị trường ngoạn mục khi Pico có được lợi thế mặt bằng.
Thương hiệu này đã đầu tư một khu phức hợp trên diện tích 56.000m2, gồm trung tâm điện máy, siêu thị tự chọn, cụm rạp chiếu phim, khu trò chơi, ẩm thực… với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng khu điện máy và siêu thị tự chọn do Pico kinh doanh đã chiếm diện tích 10.000m2.
Nhưng mọi thứ lại không đơn giản như vậy. Chính vì thế việc tìm ra những lợi thế cho riêng mình là hết sức quan trọng. Hiện một số ít tên tuổi dẫn đầu đang lấy lợi thế về giá để cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng, song về lâu dài đây có thể coi là một lợi thế cạnh tranh hay không?
Thị trường bán lẻ điện máy cạnh tranh ngày càng khốc liệt. |
Có một điều dễ nhận thấy, khác với những mảng bán lẻ khác, mảng bán lẻ điện máy gần như nằm trọn trong tay của các DN trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ có những động thái ít ỏi trong việc tham gia vào thị trường này.
Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2015 khi cánh cửa thị trường chính thức mở, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài sẽ ồ ạt tràn vào thị trường, bằng tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, có thể họ sẽ nhanh chóng chiếm lấy thị phần vốn thuộc về các DN trong nước. Lúc đó, hẳn bức tranh sẽ có nhiều sự thay đổi khó lường và tính khốc liệt trong cạnh tranh có lẽ còn lớn hơn thời điểm bây giờ rất nhiều. Vị trí trong ngành bán lẻ điện máy sớm muộn sẽ được phân chia lại.