Ban quản lý Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang trong giai đoạn đẩy nhanh công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị, nghiệm thu trên hiện trường, đồng thời khẩn trương thực hiện công tác đào tạo nhân sự phục vụ khai thác, vận hành tuyến. Mục tiêu dự án là khai thác trước đoạn trên cao vào tháng 4/2021 và toàn tuyến vào quý IV/2022.
Cần 624 người vận hành 12,5km đường sắt Nhổn - ga Hà Nội
Theo kế hoạch, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội, đơn vị khai thác, vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội), để vận hành, khai thác toàn tuyến sẽ phải cần 624 người. Hiện, đơn vị chủ đầu tư dự án đã xây dựng xong chương trình đào tạo đồng thời có các khóa đào tạo nhân sự vận hành.
“Đến nay, phần lớn nhà thầu đã xây dựng xong chương trình đào tạo. Dự kiến các khóa đào tạo sẽ bắt đầu vào tháng 12/2020, sau khi Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội hoàn thành việc tuyển dụng nhân sự và đào tạo cơ bản”, đại diện Metro Hà Nội cho biết.
Cụ thể, về số lượng nhân sự, khi dự án khai thác trước 8,5km đoạn trên cao cần 524 người, còn giai đoạn khai thác toàn tuyến 12,5km cần 624 người. Trong đó, khoảng 478 người sẽ phải qua đào tạo nghiệp vụ khai thác, vận hành, bảo dưỡng và đáp ứng yêu cầu về năng lực, trình độ.
Lãnh đạo Metro Hà Nội cho biết, hiện đơn vị đang tổ chức tuyển dụng 40 nhân sự để cử đi đào tạo nghề lái tàu và 447 nhân sự khác để đào vận hành, khai thác tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.
Các nhân sự được tuyển dụng cho các bộ phận và vị trí công việc cụ thể gồm: vận hành, kỹ thuật công nghệ, giám sát an toàn, vận hành nhà ga, duy tu sửa chữa công trình, duy tu sửa chữa thiết bị, Depot Nhổn.
“Sau khi được đào tạo cơ bản, các nhân viên được cử tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu, bao gồm cả lý thuyết, thực hành và cấp chứng chỉ, do các nhà thầu của dự án tổ chức”, đại diện Metro Hà Nội khẳng định.
Cuối năm nay, 10 đoàn tàu sẽ được đưa về nước
Thông tin về các đoàn tàu đường sắt đô thị đoạn tuyến Nhổn-ga Hà Nội, đại diện Metro Hà Nội cho biết, hiện đang được phía Pháp sản xuất và thử nghiệm để đưa về nước vào cuối năm nay.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết kế hoạch trước đây sẽ đưa đoàn tàu đầu tiên về nước vào tháng 7/2020 để vận hành thử, trước khi khai thác đoạn trên cao vào tháng 4/2021. Tuy nhiên, trong năm tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiến độ dự án đang bị ảnh hưởng, khả năng phải lùi thời hạn đưa đoàn tàu về nước vào cuối năm.
“Giữa tháng 2/2020, dự án bắt đầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là gói thầu thiết kế, sản xuất và lắp đặt tàu, do đa phần thiết bị được sản xuất và nhập khẩu từ Pháp, bị chậm tiến độ sản xuất, chế tạo, nghiệm thu và vận chuyển thiết bị. Nhóm chuyên gia thiết kế của nhà thầu tại Pháp phải cho nhân viên nghỉ do dịch nên các chuyên gia nhà thầu chưa thể sang Việt Nam làm việc”, đại diện Metro Hà Nội thông tin.
Từ tháng 5/2020, nhà thầu đã tiến hành sản xuất đoàn tàu thứ 4. Trước đó, đoàn tàu đầu tiên đã bắt đầu được hoạt động căn chỉnh. Đoàn thứ hai đã đủ điều kiện để đưa vào thử nghiệm. Đoàn thứ ba đã hoàn thành sản xuất.
Theo thiết kế, dự án sẽ chế tạo 10 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 4 toa, với chiều dài 80m (tương lai có thể nối thêm 1 toa) với sức chở 944 khách.
Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, tàu sẽ có khả năng chuyên chở 850-950 hành khách/đoàn tàu, với mật độ khoảng từ 6-8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35km/giờ, tốc độ thiết kế tối đa đạt 80km/giờ. Tốc độ thiết kế 80km/giờ là tốc độ khai thác, vận hành tối đa của đoàn tàu metro Nhổn-ga Hà Nội. Các đoàn tàu metro tại Paris, Berlin,…và các độ thị khác tại châu Á cũng được thiêt kế với tốc độ vận hành trên. Đây được coi là tiêu chuẩn thiết kế của các tuyến metro trên thế giới.
Tại buổi kiểm tra thực tế thi công dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa bàn nơi dự án này đi qua phải hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, đến tháng 12/2020, đoàn tàu đầu tiên phải về đến Hà Nội; tháng 1/2021 bắt đầu thi công đào ngầm đoạn tuyến đi ngầm.
Tuy nhiên, theo báo cáo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho thấy khu vực chân cầu thang của 3 nhà ga của đoạn trên cao là ga S4, S5 và S7 hiện vẫn chưa có mặt bằng để thi công, do chưa giải quyết xong vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
“Dự án đang trong giai đoạn nước rút, song những rủi ro tiềm tàng từ vướng mắc xung đột mặt bằng chân thang tại 3 ga trên cao nói trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch vận hành đoạn trên cao”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.
Dự án tuyến đường sắt Nhổn-ga Hà Nội đang được xây dựng có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.
Theo tiến độ điều chỉnh mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, thời gian thực hiện dự án 2009-2022, trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021, còn đoạn đi ngầm vào tháng 12/2022.