Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 8 tháng 4 năm 2013, TPHCM cần đầu tư xây dựng, khép kín các tuyến đường vành đai: Vành đai 2, Vành đai 3 và Vành đai 4. Trong đó, Vành đai 3 và Vành đai 4 được hoạch định là các đường liên vùng; có mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là phát huy hiệu quả các tuyến đường hướng tâm, tách dòng xe không đi qua nội đô, phát triển không gian đô thị mới… Do vậy, việc đầu tư khép kín đường VĐ3TPHCM là cần thiết.
Đường VĐ3TPHCM đi qua trực tiếp 4 địa phương là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, sẽ “kích hoạt” toàn bộ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là khu vực quan trọng, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ đã xác định, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nắm giữ vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt, phát triển bền vững đối với kinh tế đất nước, thực tế đã chứng minh điều đó. Tuy diện tích chỉ chiếm 9,2% nhưng GRDP của vùng chiếm hơn 45% cả nước và gần 51% GRDP của bốn vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp hơn 42% tổng thu ngân sách; trong đó, có 4 địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương thuộc nhóm cao nhất (TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương).
Tuy nhiên, vùng kinh tế số một đất nước này đang đối mặt với điểm nghẽn giao thông, ùn tắc xe cộ xảy ra liên tục, trở thành rào cản nghiêm trọng cho phát triển kinh tế cũng như vận hành của xã hội. Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TPHCM cho biết, hiện nay các tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đang khai thác giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe), các tuyến Quốc lộ hướng tâm (Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1) đều quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm ở các cửa ngõ của TP. Chưa hết, sắp tới khi hàng loạt công trình giao thông đưa vào sử dụng như: Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành dự kiến khai thác vào năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách/năm, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đầu tư nâng cấp với công suất 50 triệu hành khách/năm vào năm 2024; tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (giai đoạn 1) với quy mô 4 làn xe, dự kiến khai thác năm 2023; kết hợp với việc gia tăng dân số cơ học của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải, nguy cơ cao về ùn tắc giao thông.
TPHCM với vai trò điều phối và chuẩn bị đầu tư dự án VĐ3TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, vừa qua, ngày 19-5, Đoàn công tác của Quốc hội do đồng chí Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo của TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã tiến hành khảo sát thực địa dự án để chuẩn bị trình Quốc hội. Khi chứng kiến cảnh kẹt xe trầm trọng tại các cửa ngõ, nút giao dự kiến kết nối với đường VĐ3TPHCM, nhiều thành viên trong đoàn khảo sát đã nhận xét, nếu tuyến đường VĐ3TPHCM được đầu tư sớm thì tình hình đã tốt hơn!
“Có thể nói, đó là giấc mơ, khát vọng về sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Mong mỏi lớn nhất của chính quyền, nhân dân TPHCM và các địa phương là dự án được thực hiện càng sớm càng tốt. Quá trình chuẩn bị dự án đường VĐ3TPHCM, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội. Giờ đây, các địa phương rất mong nhận được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội để dự án được thông qua. TPHCM và các địa phương sẽ quyết tâm hơn nữa để sớm hoàn thành dự án, là động lực để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cất cánh, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, vì cả nước. Thực tế cho thấy, ở đâu có đột phá về giao thông thì chắc chắn ở đó có đột phá về kinh tế. Ngược lại, không có đột phá về hạ tầng giao thông sẽ rất khó đột phá về kinh tế, xã hội, đời sống”, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết.
Đồng chí Phan Văn Mãi nêu thực tế, TPHCM và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua đã xuất hiện các điểm nghẽn: giao thông ách tắc; dư địa đất đai, không gian đô thị phát triển quá chật chội và mất dần động lực phát triển, làm cho động lực phát triển của cả vùng như con tàu mất trớn. Do đó, đường VĐ3TPHCM sẽ tạo ra một trục giao thông chiến lược, nối kết và lan tỏa, tạo tiền đề để tháo gỡ các điểm nghẽn; mở ra hướng mới để phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Việc khai thác các quỹ đất dọc theo hai bên tuyến sau khi đường VĐ3TPHCM được đưa vào vận hành sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, phục vụ tái đầu tư, phát triển. Đặc biệt, việc kết nối với 5 đường cao tốc hướng tâm là TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành, Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành, VĐ3TPHCM sẽ góp phần giải quyết bài toán nối kết liên vùng. Đáng chú ý, không gian đường VĐ3TPHCM tạo hành lang công nghiệp kết nối các kho cạn về cụm cảng biển, sẽ giảm thời gian đi lại, tăng số vòng vận tải, giảm chi phí logistics và tạo lợi thế cạnh tranh.
Trong vòng 5 năm đến 15 năm tới, cùng với việc kép kín đường Vành đai 2, xúc tiến làm đường Vành đai 4 và các công trình lớn khác như sân bay Long Thành và các đô thị vệ tinh, đường VĐ3TPHCM sẽ tạo xung lực phát triển rất lớn cho cả vùng kinh tế.
Về phương thức đầu tư, đây là dự án đầu tư công theo cơ chế góp vốn giữa Trung ương và địa phương. TPHCM và các địa phương quyết tâm triển khai thành công dự án, bởi đây là lần đầu tiên Trung ương rót số vốn lớn cùng địa phương để thực hiện. Đặc biệt, HĐND các địa phương đã có nghị quyết về bố trí vốn làm đường VĐ3TPHCM, vì các địa phương có nguồn thu ngân sách lớn nên việc bố trí vốn hết sức thuận lợi. Ngoài ra, có thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động thêm nguồn vốn, khi cần thiết.
Đối với giải phóng mặt bằng (GPMB), TPHCM là địa phương khó khăn nhất, sau đó là Đồng Nai, Bình Dương. Đến thời điểm này, các địa phương đã lập tổ khảo sát rất kỹ, thống kê, phân loại đất, hộ dân bị ảnh hưởng, áp giá đền bù… Về giải pháp, đề xuất một số cơ chế, tách riêng GPMB thành dự án độc lập, chỉ định thầu các gói thầu về GPMB và làm song song các thủ tục để rút ngắn thời gian chuẩn bị GPMB. Muốn thực hiện GPMB nhanh phải đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân bị ảnh hưởng; phải đảm bảo giá đền bù thỏa đáng, tái định cư thuận lợi, tạo các điều kiện ổn định sinh kế, đào tạo nghề giúp cho bà con ổn định cuộc sống. “Dự kiến sau khi Quốc hội thông qua, UBND TPHCM chuẩn bị và mời Bí thư Thành uỷ TP chủ trì hội nghị với các địa phương, các ngành liên quan để cùng bàn việc đẩy nhanh GPMB, phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn thành GPMB. Các địa phương đều xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng”, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết.
Đồng Nai có nguồn thu ngân sách khá lớn, năm 2021 thu hơn 63.700 tỷ đồng; riêng 32 KCN thu hút hơn 618.000 người lao động. Đối với dự án đường VĐ3TPHCM, thông qua cầu Nhơn Trạch có thể đi về miền Tây rất nhanh theo tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành và rút ngắn khoảng cách từ Đồng Nai đến TPHCM và Bình Dương, thuận lợi vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực giao thông ở cầu Đồng Nai... Về triển khai dự án đoạn đi qua tỉnh, Đồng Nai kiến nghị đưa hợp phần của dự án gồm GPMT, xây dựng đường song hành, tuyến nối vào khu công nghiệp Ông Kèo, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, đoạn qua địa bàn tỉnh vào tổng chi phí đầu tư nếu triển khai theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP).
Mặt khác, tỉnh cũng rà soát 214ha đất sạch, có thể thu về 4.332 tỷ đồng sau khi đấu giá và cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đủ 50% trong tổng mức đầu tư dự án thành phần, đảm bảo phù hợp với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư, Đồng Nai cam kết sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đối với phần tăng thêm theo đúng quy định để triển khai đầu tư dự án.
Những năm qua kinh tế Bình Dương phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của vùng. Năm 2021, Bình Dương thu ngân sách 61.200 tỷ đồng; hiện có 33 KCN, thu hút 1,6 triệu lao động. Tuy nhiên, Bình Dương đang đối mặt với rào cản rất lớn, đó là mạng lưới giao thông quá tải nhiều năm nay, rất nhiều tuyến đường huyết mạch ùn tắc trầm trọng do nhu cầu vận tải hàng hóa lớn, lượng người tham gia giao thông đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Vì vậy, việc sớm xây dựng tuyến đường VĐ3TPHCM sẽ giúp tháo gỡ nút thắt lớn nhất về hạ tầng đường sá, tiếp tục thu hút mạnh đầu tư, hướng đến các lĩnh vực thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, đất đai.
Đường VĐ3TPHCM qua Bình Dương dài hơn 26km thì tỉnh đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng 15,3km (đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn). Hiện nay còn 10,76km chưa đầu tư, nhu cầu vốn khoảng 19.300 tỷ đồng, đã được Thủ tướng đồng ý phân bổ ngân sách Trung ương và tỉnh theo tỷ lệ mỗi bên 50%, sẽ thực hiện trong giai đoạn 2022-2027. Tuy nhiên, để đẩy nhanh dự án, tỉnh Bình Dương kiến nghị đối với phần vốn của Trung ương sẽ được bố trí trong hai năm 2023-2024, phần vốn còn lại, tỉnh quyết tâm bố trí để hoàn thành tuyến đường trong năm 2024, dự kiến sớm hơn 3 năm. Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và các cơ chế đặc thù, tỉnh sẽ triển khai ngay công tác đền bù GPMT vào tháng 6-2022.
Nhiều năm đứng đầu thu ngân sách của 13 tỉnh ĐBSCL, năm 2020 thu hơn 18.000 tỷ đồng, năm 2021 thu 14.500 tỷ đồng; tỉnh Long An hiện có 17 KCN, 32 cụm công nghiệp, thu hút hơn 350.000 công nhân làm việc. Dự án đường VĐ3TPHCM đoạn đi qua tỉnh Long An, khi hoàn thành sẽ tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là 2 huyện công nghiệp trọng điểm là Bến Lức, Đức Hòa. Đặc biệt, tuyến đường còn phục vụ các tỉnh khu vực Đông và Tây Nam bộ, bởi hàng hóa di chuyển qua các địa phương này rất lớn. Về phương án đầu tư, HĐND tỉnh đã nhất trí thông qua chủ trương cân đối, bố trí vốn từ ngân sách tỉnh để triển khai dự án đường VĐ3TPHCM, đoạn qua địa phận của tỉnh. Theo đó, sẽ bố trí 1.052 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, trong đó giai đoạn 2022-2025 hơn 852 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2027 bố trí gần 200 tỷ đồng.
Dự án đường VĐ3TPHCM đã nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vùng Đông Nam bộ. Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng việc sớm triển khai dự án này là hết sức cần thiết. Dự án này không chỉ giúp TPHCM giải tỏa áp lực giao thông mà sẽ kết nối giữa các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Do vậy, tỉnh Đồng Nai rất mong muốn dự án được triển khai sớm. Hiện nay, có những thời điểm đoạn cao tốc Long Thành - Dầu Giây đã trở thành đường “thấp tốc”, do lưu lượng xe rất lớn. Xây dựng được đường VĐ3TPHCM thì tốc độ lưu chuyển hàng hóa giữa các địa phương trong vùng sẽ nhanh hơn, tiết kiệm cả thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và người dân.
Tôi được biết các địa phương trong vùng dự án đã có phương án chuẩn bị phần vốn đối ứng của địa phương và có cam kết đáp ứng đủ, nếu được Quốc hội chấp thuận. Đồng Nai cũng vậy, HĐND tỉnh Đồng Nai đã có nghị quyết, tỉnh đã có văn bản báo cáo Chính phủ cam kết về bố trí vốn đối ứng. Tỉnh dự kiến sẽ xin Chính phủ điều chỉnh trong cân đối vốn đầu tư công trung hạn. Về GPMB, Đồng Nai dự kiến có khoảng 100 hộ cần được bố trí tái định cư, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy người dân rất ủng hộ. Như vậy, lãnh đạo tỉnh quyết tâm, nhân dân ủng hộ!