(ĐTTCO) - Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm sống lại tuyến đường thương mại cổ đại đang gây ra căng thẳng địa chính trị, trong bối cảnh các nước như Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng lo ngại về việc trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Cùng với căng thẳng ở Trung Đông và Ukraine tăng trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng gia tăng sức mạnh quân sự của mình. Nước này có kế hoạch liên doanh sản xuất một hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi. Kế hoạch trị giá 3,4 tỷ USD sẽ giúp quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ hơn, trong khi đặt nền móng cho việc xuất khẩu tên lửa. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ bất thình lình hủy kế hoạch cách nay vài tuần, do bị các đồng minh trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) phản đối. Lý do phản đối chính: Đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ là một công ty có sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc. Các nước phương Tây lo sợ bị mất mát các bí mật quân sự nếu công nghệ Trung Quốc được đưa vào hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một trong những mục tiêu kinh tế và ngoại giao cao nhất của Trung Quốc là mở rộng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và hàng chục quốc gia khác dọc theo con đường tơ lụa đã tồn tại hơn 1.000 năm trước, cả bằng đường bộ và đường biển. Nhưng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm sống lại tuyến đường thương mại cổ đại, một kế hoạch được gọi là Sáng kiến Đường và vành (BRI), đang gây căng thẳng địa chính trị, các quốc gia ngày càng lo ngại về việc trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc, Kazakhstan đã hạn chế đầu tư và xuất nhập cảnh Trung Quốc vì sợ bị lấn át, đồng thời đã theo đuổi mối quan hệ ấm áp hơn với Moscow như một cách để cân bằng với Bắc Kinh.
Với thỏa thuận tên lửa, Thổ Nhĩ Kỳ dịch chuyển về phía Trung Quốc một phần để giảm bớt phụ thuộc vào NATO. “Lợi ích quốc gia của chúng tôi và của NATO có thể không giống nhau trong một số hành động” - Ismail Demir, Thứ trưởng Nội an Thổ Nhĩ Kỳ, nói. Nhưng thỏa thuận ngay lập tức bị phương Tây cắm cờ đỏ. Bên cạnh các vấn đề công nghệ, nhà cung cấp Trung Quốc - Tổng công ty Xuất nhập khẩu Máy móc chính xác Trung Quốc (CPMIEC) - là đối tượng trừng phạt của phương Tây do cung cấp công nghệ tên lửa đạn đạo cho Iran, Triều Tiên, Pakistan và Syria. Vì vậy, liên doanh của Thổ Nhĩ Kỳ với CPMIEC cũng có thể bị cấm vận.
Mối quan hệ với Trung-Thổ cũng bị lệch. Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 25 tỷ USD/năm giá trị hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu chỉ có 3 tỷ USD sang đó. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các cửa hàng đầy hàng hóa Trung Quốc, từ máy hút bụi đến đồ bếp. Các công ty Trung Quốc mua các mỏ than và đá cẩm thạch, cũng như 65% cổ phần trong cảng container lớn thứ ba ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc đang giúp xây dựng gần một chục tuyến đường sắt, và nó đã là một nhà cung cấp quân sự, bán tên lửa chiến trường công nghệ thấp cho Thổ Nhĩ Kỳ. Các công ty đang ngày càng nghiêng về Trung Quốc vì lý do chi phí, phụ thuộc linh kiện hoặc các sản phẩm lắp ráp hoàn chỉnh.
![]() |
Một căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ gần Adana. Trung Quốc |
Nhưng các công ty Trung Quốc cũng có thể trở mặt rất nhanh. Tổng công ty Cơ khí Máy móc Trung Quốc (CMEC) đã đột ngột rút lui khỏi thỏa thuận 384,6 triệu USD về việc mua lại 75% cổ phần lưới điện ở Eskisehir và các tỉnh lân cận ở Thổ Nhĩ Kỳ. CMEC không đưa ra lý do chính thức cho việc hủy thỏa thuận với Công ty Phân phối điện Thổ Nhĩ Kỳ (TEDC). TEDC hiện đang kiện công ty Trung Quốc để đòi bồi thường tiền phá vỡ hợp đồng. Mukremin Cepni, CEO của TEDC, nói ông đã mất tới 18 tháng để chuẩn bị cho thỏa thuận.
Sắc tộc cũng là một vấn đề phức tạp khác trong quan hệ với Trung Quốc. Nhiều nước trong khu vực là Hồi giáo và ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ đang được nói ở hơn chục nước, đặc biệt ở các nước thuộc Đế chế Ottoman cũ. Điều này khiến quan hệ chính trị giữa khu vực và Trung Quốc xấu đi cùng với việc Bắc Kinh triển khai những chính sách nghiêm ngặt đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, cũng là cộng đồng người nói tiếng Thổ. Bắc Kinh cáo buộc người Duy Ngô Nhĩ đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công vào người Hán ở miền Đông Trung Quốc.