Văn phòng của một số công ty tham gia vào thị trường dầu mỏ đã bị các quan chức Ủy ban châu Âu (EC) khám xét vì có những mối lo ngại rằng các công ty có thể đã thông đồng thao túng giá cả. Tuy nhiên, EC không nêu rõ tên công ty và cũng nói rằng bị khám xét không có nghĩa là các công ty đã phạm tội. Cuộc điều tra liên quan đến việc định giá dầu, các sản phẩm tinh chế và nhiên liệu sinh học. "Ngay cả sự méo mó nhỏ trong định giá cũng có thể gây tác động rất lớn vào giá mua bán dầu thô, sản phẩm dầu mỏ tinh chế và nhiên liệu sinh học, có khả năng làm tổn hại đến người tiêu dùng đầu cuối" - thông cáo của EC viết. EC cũng cho biết đang xem xét phải chăng các công ty đã ngăn chặn các bên khác tham gia vào quá trình định giá, bất kỳ hành vi nào như vậy cũng có thể bị xem là vi phạm các quy định chống độc quyền của châu Âu. EC mở cuộc điều tra về các cáo buộc cấu kết thao túng giá dầu thô, Liên minh châu Âu (EU) gọi các cuộc khám xét "kiểm tra không báo trước" là bước đầu trong cuộc điều tra các hành vi bị nghi ngờ bóp chết cạnh tranh. Các công ty BP, Royal Dutch Shell, Statoil và cơ quan báo giá Platts đã xác nhận họ đang làm việc với nhà chức trách trong cuộc điều tra. Statoil cho biết trụ sở ở Na Uy đã bị khám xét và nhà chức trách nghi ngờ các vi phạm liên quan quy trình định giá đóng cửa (Market-On-Close) của Platts, có thể đã diễn ra từ năm 2002. Về phía Platts, cơ quan này nói EC đã viếng thăm các hoạt động của họ ở London và Platts đang hợp tác đầy đủ với EC. Chính trị gia Anh Lord Oakeshott so sánh vụ cáo buộc gian lận giá dầu cũng "nghiêm trọng như gian lận Libor" - vụ bê bối khiến các ngân hàng bị phạt tiền hàng trăm triệu bảng Anh. Ông yêu cầu được biết lý do tại sao trước đó các nhà chức trách Anh không hành động: "Tại sao chúng ta phải đợi Brussels tìm hiểu xem liệu những gã khổng lồ dầu mỏ Anh có đang móc túi người tiêu dùng? Giá năng lượng tác động lên nền kinh tế của chúng ta và thực sự quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, mỗi hộ gia đình". Chỉ 4 tháng trước, Văn phòng Công bằng Thương mại (OFT) đã bác bỏ một cuộc điều tra về hành vi áp đặt giá xăng dầu với lý do "bằng chứng rất hạn chế" về việc giá xăng bán lẻ cho người tiêu dùng tăng lên một cách nhanh chóng khi giá bán buôn tăng lên nhưng lại giảm một cách rất chậm chạp khi giá bán buôn giảm xuống. Có chuyên gia cho rằng giá cả được thiết lập trong vòng bí mật nên người tiêu dùng không hề biết mức giá tại các trụ bơm có phản ánh hợp lý giá bán buôn hay không. Cách nay 6 tháng, tờ Guardian đã tiết lộ các cáo buộc về một vụ gian lận kinh doanh gas, dẫn đến cuộc điều tra hiện vẫn đang tiếp diễn của cơ quan năng lượng Ofgem và Cơ quan Dịch vụ tài chính (nay là Cơ quan Quản lý tài chính). Tờ Financial Times tuần trước đã nêu bật mối lo ngại giao dịch năng lượng đã trở thành lĩnh vực tiềm ẩn sự thao túng thị trường. Chủ tịch Platts Larry Neal đã gởi thư phản đối, trong đó có đoạn viết: "Việc so sánh hoạt động của cơ quan báo giá (PRA) với Libor là một sự so sánh sai lầm… Mặc dù các PRA lấy thông tin từ những nhà giao dịch có thể có quyền lợi trong dao động thị trường, nhưng bản thân các PRA không được bất kỳ quyền lợi gì như thế cả. Ngược lại, vai trò của chúng tôi là mang lại sự minh bạch cho thị trường". Cuộc điều tra của EC đến đúng lúc các PRA bị Tổ chức quốc tế Các ủy ban Chứng khoán (IOSCO) nhắc nhở phải siết lại lề lối hoạt động, và một số công ty năng lượng cùng với các ngân hàng, các nhà giao dịch đã ngừng cung cấp thông tin cho các PRA.
các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và nhiên liệu sinh học.