Trong động thái khá bất ngờ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/3 quyết định không cắt giảm lãi suất như kỳ vọng của thị trường, nhưng đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá lên tới 120 tỷ euro (135 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là các ngân hàng gặp khó khăn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức -0,5% nhằm kích thích vay đầu tư thay vì giữ tiền trong ngân hàng.
Trước đó, các nhà đầu tư kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm 10 điểm cơ bản nhằm kích thích nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong bối cảnh có những quan ngại về nguy cơ nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái.
Ngay cả Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tuần trước cũng đã phải cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế của hai nước này.
Tuy không cắt giảm lãi suất, ECB đã thông qua gói thu mua trái phiếu và tín dụng ưu đãi đến hết năm 2020 trị giá lên tới 120 tỷ euro, tăng từ mức 20 tỷ euro/tháng hiện nay.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde hồi đầu tháng này tuyên bố ngân hàng "sẵn sàng có những biện pháp phù hợp và có chủ đích" để đối phó với những tác động về kinh tế của dịch COVID-19.
Các nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế eurozone có thể giảm xuống 1,2% trong năm 2020 khi việc làm bị giảm, trong khi các hộ gia đình phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu và đi lại.
Thị trường đã lập tức có phản ứng với quyết định trên của ECB. Tại thị trường chứng khoán Frankfurt, chỉ số DAX đã mất 10,7%, xuống 9.308 điểm, trong khi chỉ số EuroStoxx50 cũng sụt 11,4% giá trị, xuống còn 2.574 điểm.