Thời điểm các quỹ ETF (quỹ đầu tư chỉ số) cơ cấu danh mục đầu tư quý II-2013 đang đến gần, đây cũng là thời điểm giới đầu tư bắt đầu dự đoán về việc ai ở ai đi trong việc thanh lọc rổ chứng khoán để cơ cấu chỉ số. STB, HAG và SJS bị loại khỏi quỹ VNM Theo kế hoạch, 2 quỹ ETF đầu tư hiện nay là Market Vector Vietnam ETF (VNM) và FTSE Vietnam ETF (FTSE) sẽ công bố danh mục đầu tư quý II-2013 trong những ngày sắp tới. Cụ thể, FTSE sẽ công bố vào ngày 7-6, còn VNM công bố vào ngày 14-6. Đối với VNM, các mã CP đang có sẵn trong danh mục phải hội đủ các điều kiện gồm: vốn hóa thị trường phải trên 75 triệu USD, room NĐTNN còn lại không được dưới 5%, giá trị giao dịch bình quân 1 phiên trong 3 tháng liên tiếp đạt ít nhất 0,6 triệu USD trong kỳ xem xét. Như vậy, trong kỳ đánh giá lần này của VNM sẽ có ít nhất 3 mã CP bị loại là: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB) và CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và CTCP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS). Đối với HAG, do doanh nghiệp này vừa giảm room NĐTNN từ 43,71% xuống 37,82% để đảm bảo cho việc phát hành riêng lẻ của NĐTNN. Trong khi đó, tại thời điểm 21-5, khối ngoại đang nắm giữ 34,02% vốn điều lệ của HAG, nên room ngoại còn lại của mã này chỉ ở mức 3,8%. Tương tự, STB vừa được UBCKNN đồng ý chốt tỷ lệ sở hữu của NĐTNN ở mức 10% vốn điều lệ để ngân hàng này hoàn thành đợt chuyển nhượng cho đối tác chiến lược nước ngoài. Việc chốt room ngoại này có hiệu lực đến tháng 4-2014. Nhưng tại thời điểm ngày 22-5, khối ngoại đang sở hữu 6,24% vốn điều lệ của STB, nghĩa là room còn lại của khối ngoại tại STB hiện nay chỉ còn 3,76%. Trong khi đó, SJS bị loại do vốn hóa thị trường chỉ đạt 1.495 tỷ đồng (tương đương 71,19 triệu USD). HSG, SHB và DRC thế chỗ Đối với những CP mới muốn được thêm vào rổ chỉ số của VNM phải đảm bảo: có room NĐTNN từ 10% trở lên, có vốn hóa thị trường thấp nhất là 150 triệu USD (3.150 tỷ đồng), giá trị giao dịch bình quân 1 phiên 3 tháng trong kỳ đánh giá phải đạt ít nhất 1 triệu USD và khối lượng bình quân 1 tháng phải đạt ít nhất 250.000 CP. Như vậy, 3 mã CP có khả năng được thay thế có thể là: CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB). HSG đủ điều kiện vốn hóa 4.429 tỷ đồng (tương đương 210 triệu USD), khối lượng giao dịch bình quân là 272.000 CP/phiên (tương đương giá trị 20,1 tỷ đồng/phiên), room ngoại còn lại 15,34%. SHB sẽ là "ứng cử viên" thay thế STB có vốn hóa đạt 303 triệu USD, khối lượng giao dịch bình quân 1 phiên trong 3 tháng liên tiếp của SHB là 7,9 triệu CP/phiên (tương đương 79,5 tỷ đồng/phiên), room còn lại cho NĐTNN là 27,6%. DRC dù có một số chỉ tiêu chưa đạt nhưng mã này vẫn sáng giá nhất để được VNM lựa chọn như: khối lượng giao dịch bình quân 3 tháng đạt 714.000 CP/phiên (tương đương giá trị 33,4 tỷ đồng/phiên), room còn lại cho NĐTNN đạt 24,92%. DRC hiện có một điều kiện chưa đạt đó là vốn hóa thị trường chỉ mới đạt 143 triệu USD. Tuy nhiên, sau phiên giao dịch cuối tuần trước, do DRC tăng lên trên 38.900 đồng/CP nên mã này đã đạt yêu cầu với vốn hóa 150 triệu USD. FTSE nới lỏng điều kiện So với VNM, các điều kiện của FTSE có phần "dễ thở" hơn. Cụ thể, điều kiện của nhóm CP đang nằm trong danh mục là: nằm trong nhóm có vốn hóa lớn trên sàn HOSE, room nước ngoài còn trên 2%, tỷ lệ free float (thả nổi tự do) trên 5%, giá trị giao dịch bình quân 1 phiên trong 3 tháng liên tiếp lớn hơn 10% của toàn danh mục đối với FTSE All share (gồm các CP chiếm đến 90% giá trị vốn hóa thị trường) và trên 20% đối với FTSE VN Index (gồm các CP thuộc All share nhưng vẫn còn room nước ngoài). Ngược lại, những mã thay thế phải đáp ứng các điều kiện cao hơn như: giá trị giao dịch bình quân 1 phiên trong 3 tháng liên tiếp lớn hơn 20% của toàn danh mục đối với FTSE All share và lớn hơn 40% đối với FTSE VN Index. NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LONG THANH Với những điều kiện này 3 mã có khả năng bị loại khỏi FTSE là: CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) rơi khỏi nhóm có vốn hóa lớn trên sàn HOSE; CTCP Phân phối khí áp thấp dầu khí Việt Nam (PGD) không đạt tiêu chuẩn về thanh khoản; TCT Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVF) do hủy niêm yết để sáp nhập với Western Bank. Còn có một trường hợp rất đặc biệt trong kỳ xét lại của FTSE là STB. Có thể nói việc loại bỏ STB là trường hợp cá biệt, bởi room còn lại của khối ngoại vẫn là 3,76%, nhưng do mức này quá gần với mức 2% theo điều kiện của FTSE nên khả năng bị loại rất cao. Dù có đến 4 mã có khả năng bị loại nhưng trên thị trường hiện nay chỉ mới có 2 mã đáp ứng được điều kiện thay thế của FTSE là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM). PPC có vốn hóa đạt 418 triệu USD, nằm trong nhóm chiếm 88% vốn hóa toàn sàn HOSE, room còn lại cho NĐTNN là 34%, tỷ lệ free float đạt 8,85%, khối lượng bình quân 1 phiên trong 3 tháng liên tiếp đạt 979.598 CP/phiên (tương đương 18 tỷ đồng/phiên). Trong khi đó, CSM có vốn hóa đạt 98,9 triệu USD, nằm trong nhóm chiếm 88% vốn hóa toàn sàn HOSE, room còn lại cho NĐTNN là 38,9%, khối lượng giao dịch bình quân 1 phiên trong 3 tháng liên tiếp đạt 860.708 CP/phiên (tương đương 25 tỷ đồng/phiên).