Các Bộ trưởng Tài chính của các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu - eurozone đã kết thúc phiên họp marathon kéo dài đến 16 tiếng đồng hồ xuyên đêm ngày 8/4, mà không đạt được thoả thuận liên quan đến việc tung ra gói cứu trợ tài chính khổng lồ cho các nước bị đại dịch Covid-19 tàn phá nghiêm trọng nhất trong khối.
Theo thông tin do Bộ trưởng Tài chính Đức, Olaf Scholz cung cấp, các nước đã bàn đến 3 đề xuất mà nếu được thông qua, có thể mang lại một gói cứu trợ tổng cộng khoảng 500 tỷ Euro. Tuy nhiên, theo ông Scholz, vẫn còn một số cản trở cuối cùng trước khi đạt được sự đồng thuận của tất cả các nước.
Bộ trưởng Tài chính Đức, Olaf Scholz. (Ảnh: Euronews) |
“Chúng tôi gần như đã đạt được sự nhất trí về 3 đề xuất này. Hầu hết đã đồng ý với nước Đức về một điểm nhưng vẫn không phải là tất cả và vì quyết định phải dựa trên sự đồng thuận nên chúng tôi sẽ phải tiếp tục thảo luận về điểm này và tôi hy vọng chúng tôi không chỉ có được một quyết định mà là một thoả thuận trước khi kết thúc kỳ nghỉ Phục sinh” - ông Scholz cho biết.
Theo các nguồn tin từ Brussels, các Bộ trưởng Tài chính châu Âu đã thảo luận về tất cả các đề xuất liên quan đến huy động tài chính từ Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), từ Cơ chế giảm thiểu rủi ro thất nghiệp trong tình huống khẩn cấp (SURE) cũng như các đề xuất nhiều tranh cãi liên quan đến tăng ngân sách châu Âu 2021-2027 và đặc biệt là ý tưởng về trái phiếu corona.
Mâu thuẫn giữa hai nhóm nước về ý tưởng này, với một bên ủng hộ là Italy, Tây Ban Nha với bên kia là các nước Đức, Hà Lan tiếp tục gay gắt. Đức và Hà Lan kiên quyết phản đối ý tưởng trái phiếu corona. Hà Lan thậm chí không nhân nhượng trong việc nới lỏng điều kiện cho các nước tiếp cận nguồn tài chính từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM).
Theo đánh giá, nếu ý tưởng về trái phiếu corona, tức một trái phiếu ghi nợ chung cho khu vực đồng tiền chung châu Âu eurozone, được thông qua, Đức sẽ phải chi đến 13 tỷ euro còn Hà Lan sẽ phải đóng góp mỗi năm khoảng 1,4 tỷ euro.
Ngay trong tối 8/4, Nghị viện Hà Lan đã ra nghị quyết ủng hộ lập trường cứng rắn của chính phủ Hà Lan, đồng thời yêu cầu chính phủ Hà Lan không bao giờ chấp nhận chịu trách nhiệm cho khoản nợ của một quốc gia khác.
Trước các mâu thuẫn lớn giữa các nước thành viên, các Bộ trưởng Tài chính châu Âu sẽ phải tiếp tục họp trong ngày hôm nay, thậm chí kéo dài đến cuối tuần này, nhằm đạt được một thoả thuận.