Theo hãng tin AFP, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cần thành lập một quỹ chung để tăng cường năng lực của khối, khi phải đối phó với các cú sốc kinh tế và giúp các quốc gia bị khủng hoảng nặng nhất tránh khỏi nguy cơ suy thoái trầm trọng. Việc thành lập hệ thống chia sẻ rủi ro này sẽ giúp khắc phục những điểm yếu vốn đã góp phần tạo nên cơn "bão nợ" ở khu vực.
Theo IMF, Eurozone cần lập một quỹ chung đề phòng lúc khó khăn, với nguồn thu thuế được "thiết kế" để cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng hay các dịch vụ công cộng trên toàn khối. Quỹ này sẽ cung cấp mạng lưới an toàn tự động dành cho các nước bị sa sút nghiêm trọng, giảm bớt thiệt hại về kinh tế và xã hội mà cuộc khủng hoảng gây ra.
Cụ thể, quỹ sẽ thu thuế từ các nước thành viên Eurozone và chuyển cho các nước phải hứng chịu tác động tiêu cực từ các cú sốc kinh tế. Quỹ có trị giá lên tới 2,5% GDP của khối, tức khoảng 200 tỷ euro. Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát chặt nguồn tiền này. Đặc biệt, có thể áp dụng biện pháp treo thanh toán nếu nước được hỗ trợ vi phạm các quy định về ngân sách và nợ.
Kể từ thời gian đầu của cuộc khủng hoảng năm 2010, các nước Eurozone đã cứu trợ năm nước thành viên với các gói cho vay được sự trợ sức bởi IMF. Khối cũng lập ra các cơ quan để quản lý khủng hoảng và đang hướng tới việc thành lập một liên minh ngân hàng, với mục tiêu cho ra đời một cơ chế quản lý ngân hàng tập trung và một cơ quan có quyền đóng cửa, tái cơ cấu hay cứu trợ các ngân hàng.
Trước đây, Pháp cũng đã kêu gọi thành lập một quỹ chung tại Eurozone, nhưng chưa đề ra các tiêu chí cụ thể. Trong khi đó, Đức có ý miễn cưỡng, bóng gió rằng nước này sẽ không đồng ý nếu quỹ có ngân sách vượt quá 10-15 tỷ euro.
Celine Allard, một quan chức của IMF, nhận định, việc lên kế hoạch hướng tới sự hội nhập ở mức độ cao hơn về tài chính sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực của Eurozone để đối phó với khủng hoảng và tạo dựng niềm tin vào khả năng trụ vững của khối này.
Giới chuyên gia dự báo những đề xuất trên sẽ vấp phải rào cản lớn về chính trị và pháp lý, vì nó sẽ làm giảm chủ quyền quốc gia khi trao tiền và quyền cho các cơ quan chung của khối. Có những ý kiến lo ngại rằng các nước được cứu trợ sẽ nhụt chí khi phải thực hiện các cải cách không hợp lòng dân.
Liên minh châu Âu (EU - quy tụ 28 quốc gia thành viên) cũng đã có một ngân sách chung, nhưng chỉ tập trung đầu tư cho các dự án dài hạn, với quy mô hỗ trợ hạn chế, đóng vai trò như một công cụ để phòng tránh hoặc xoa dịu các cú sốc kinh tế.