Thông tin từ Tổng cục Phòng chống thiên tai, ngày 17-6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó trưởng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức đoàn tới kiểm tra thực tế tại Công ty Thủy điện Hòa Bình về tình hình xả lũ và thăm hỏi, động viên người dân làng chài ở phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thị sát thủy điện Hòa Bình ngày 17-6
Đóng bớt 2 cửa nhưng còn 5 cửa vẫn xả
Theo chính quyền địa phương, khu vực dễ có nguy cơ sạt lở khi xả lũ thủy điện là tại làng vạn chài (chân cầu Hòa Bình 3), tổ 15 thuộc phường Đồng Tiến, cầu Ngòi Mại (Km 8+310), tỉnh lộ 445... thuộc hạ lưu đập thủy điện.
Theo báo cáo, đến thời điểm này, tại Hòa Bình có khoảng 3 tấn cá nuôi lồng bè của người dân tại các phường Tân Hòa 1, Thịnh Lang và Đồng Tiến bị chết do xả lũ. Nước lũ dâng cao đã làm sụt lún tường bao của Trường Tiểu học và THCS Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn).
Tại Phú Thọ, 3 công nhân lao động tự do tắm sông Đà khi xả lũ, trong đó một người bị nước cuốn. Nạn nhân là anh Đàm Văn Cảnh, trú tại khu 4, xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba. Chính quyền địa phương đã huy động 40 người và 5 thuyền tổ chức tìm kiếm cứu nạn nhưng do nước lũ chảy xiết nên chưa tìm thấy nạn nhân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Công ty Thủy điện Hòa Bình
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã làm việc với Công ty Thủy điện Hòa Bình, cho rằng đây là lần đầu tiên chúng ta xả lũ trước thời điểm mùa lũ. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị cần đảm bảo an toàn cho hạ du khi xả lũ thủy điện, nhất là các khu vực dễ có nguy cơ sạt lở. Đồng thời đề nghị đơn vị khí tượng - thủy văn cần số hóa mọi thông tin một cách nhanh nhất để điều hành một cách nhịp nhàng, chính xác.
Trước đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã liên tục có các công điện yêu cầu các nhà máy thủy điện Sơn La và Hòa Bình phải mở cửa xả đáy để rút bớt lượng nước tích trên hồ thủy điện.
Nước ở hạ lưu thủy điện sông Đà lên cao tại cầu Hòa Bình, TP Hòa Bình
Đến sáng 17-6, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã mở 5 cửa xả đáy. Thủy điện Sơn La cũng mở 2 cửa xả đáy (chưa kể nước xả qua phát điện). Đến trưa 17-6, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ra công văn số 08 yêu cầu đóng bớt 1 cửa xả đáy của hồ Hòa Bình và 1 cửa xả đáy của hồ Sơn La kể từ 16 giờ chiều 17-6.
Như vậy, đến thời điểm này, hồ Sơn La vẫn đang mở 1 cửa xả đáy, còn hồ Hòa Bình vẫn đang mở 4 cửa xả đáy.
Lo xả quá tay
Tuy nhiên, tại buổi thị sát tình hình xả lũ ở hồ thủy điện Hòa Bình cùng làm việc với Công ty Thủy điện Hòa Bình của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ngày 17-6, ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nêu ra lo ngại: Vừa qua, thủy điện Hòa Bình được yêu cầu mở tới 5 cửa xả đáy trước mùa mưa lũ gây ra lo ngại thiếu nước phát điện nếu sắp tới mưa không như dự báo.
Thủy điện Hòa Bình đã mở 5 cửa xả đáy, hiện đóng 1, còn xả qua 4 cửa và qua phát điện
"Lần này khác với lần xả lũ năm 2018 khi mà hồ đã đầy phải xả để đảm bảo an toàn cho công trình và cho hồ chứa" - ông Phương nói và cho rằng việc xả lũ lần này sẽ dẫn đến khó khăn cho ngành điện nếu như từ nay tới tháng 10-2022, hai hồ thuỷ điện Sơn La và Hòa Bình không tích thêm được ít nhất 10m nước.
Còn theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, hiện chi phí phát điện bằng nhiệt điện than của các nhà máy rất đắt đỏ. Theo tính toán, nguồn điện từ nhiệt điện than hiện khoảng 4.000 đồng/kWh trong khi từ thủy điện chỉ có 1.000 đồng/kWh, do giá than hiện tăng gấp 5 lần so với tháng 9-2021.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, các nhà máy nhiệt điện đang đứng trước áp lực về chi phí than và dầu để hoạt động do giá mua cao.
"Giá than từ 90USD/tấn vào tháng 9-2021, trong thời gian qua đã lên 200USD, có lúc 400USD/tấn. Giá hiện tại là 230USD/tấn và chúng tôi dự báo trong thời gian tới có thể lên 279USD/tấn, gấp 3 lần năm ngoái", ông Lâm nói.