Các chuyên gia y tế cho rằng, với kháng thể có sẵn sau khi khỏi bệnh, hơn lúc nào hết, sự trở lại của các F0 trong “trận chiến” này là vô cùng cần thiết và mang ý nghĩa nhân văn.
Anh Nguyễn Hồng Kỳ chăm sóc cho một F0 tại Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 4. Ảnh: MINH NAM
Nối dài yêu thương
Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, chàng trai trẻ Huỳnh Khang (sinh năm 1999) cẩn thận đút từng thìa cháo cho bà cụ đang nằm trên giường bệnh. Vừa đút cháo, Khang vừa động viên: “Bà ơi, bà ráng ăn cho hết chén cháo này nha, có ăn được thì bà mới mau khỏe và về nhà được ạ”. Dù hơi thở vẫn khá khó nhọc nhưng bà cụ móm mém cười và đón lấy từng thìa cháo của Khang. Mắc Covid-19 sau thời gian tham gia làm công tác tình nguyện tại một phòng xét nghiệm trên địa bàn TPHCM, chàng sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam được đưa đến BV điều trị. Sau khi khỏi bệnh, trở về ký túc xá của trường, Khang bắt đầu nghĩ đến việc tiếp tục làm tình nguyện và viết đơn xin được phục vụ trong các BV dã chiến.
Ngày 28-8, Khang chính thức đến nhận việc tại BV dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình, phụ giúp đội ngũ y bác sĩ chăm sóc cho những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân nặng không thể tự sinh hoạt được. “Đến thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy công việc tình nguyện viên là việc đáng làm. Tuy có mệt đôi chút, có nhớ nhà, nhớ người thân nhưng tôi cảm thấy rất vui. Tôi xem công việc này như một sự cảm ơn đối với sự hy sinh thầm lặng mà các y bác sĩ và điều dưỡng đã từng điều trị cho mình”, Huỳnh Khang chia sẻ.
Từng là F0, sau khi chiến thắng bệnh tật trở về, anh Nguyễn Hồng Kỳ (33 tuổi, ngụ quận Tân Bình) quyết định quay trở lại BV dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 4, nơi anh từng điều trị để trợ giúp đội ngũ y bác sĩ. Mỗi sáng, sau khi mặc lên người bộ đồ bảo hộ, anh Kỳ có mặt ở phòng cấp cứu để đánh răng, đút đồ ăn, lau người, thay bỉm, thay drap trải giường, xoa lưng, hướng dẫn tập thở, thỉnh thoảng gội đầu, cắt móng tay móng chân... cho các bệnh nhân. Hiện, một mình anh có thể chăm sóc 10 người trong số hơn 30 F0 nặng đang điều trị tại phòng cấp cứu. “Mẹ tôi mất rồi nên khi vào đây nhìn thấy các cô lớn tuổi không thể tự sinh hoạt được, tôi lại nhớ mẹ và chăm sóc cho các cô như thể chăm cho mẹ của mình, mong các cô sớm được quay trở lại với gia đình, con cháu”, anh Kỳ tâm sự.
Rất cần F0 khỏi bệnh tiếp sức
Chia sẻ về lực lượng F0 tình nguyện, BS Kiều Quốc Thanh, Trưởng Khu hồi sức cấp cứu BV dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 4 cho biết, với số lượng bệnh nhân tại các BV dã chiến mỗi ngày một đông, khối lượng công việc nhiều khiến nhân viên y tế trở nên quá tải, do đó, sự có mặt của đội ngũ tình nguyện viên, nhất là những F0 khỏi bệnh là hết sức cần thiết. “Họ có thể phụ giúp chúng tôi chăm sóc chu đáo hơn cho các bệnh nhân nặng, bệnh nhân cao tuổi để chúng tôi có nhiều thời gian tập trung chuyên môn, cứu chữa cho nhiều bệnh nhân khác”, BS Kiều Quốc Thanh nói.
Anh Nguyễn Hồng Kỳ chăm sóc cho một F0 tại Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 4. Ảnh: MINH NAM
BS Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc BV dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 4 cho biết, trong thời gian qua đơn vị này đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các F0. Trong đó có những người đã được xuất viện, cũng có người đang là bệnh nhân nhưng do không có triệu chứng và hoàn toàn khỏe mạnh đã tình nguyện chăm sóc cho các F0 khác. Bên cạnh đó, do bản thân những người từng là F0 nên phần nào đồng cảm và dễ dàng hỗ trợ được sinh hoạt cá nhân của người bệnh, hỗ trợ tâm lý, y tế nên việc chăm sóc bệnh nhân mang lại hiệu quả tốt.
Theo các bác sĩ, những nghiên cứu hiện tại cho thấy các F0 đã khỏi bệnh có kháng thể bảo vệ cơ thể, vì thế nguy cơ nhiễm lại là rất thấp. Do đó, việc hỗ trợ bệnh nhân của lực lượng này sẽ dễ dàng hơn. Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, những người từng là F0 có nồng độ kháng thể và có thể miễn nhiễm tạm thời với virus, vì thế các trường hợp F0 đã xuất viện là nguồn lao động hỗ trợ rất quý. Theo ông, lực lượng F0 khỏi bệnh có thể hỗ trợ được nhiều vị trí như hướng dẫn, vệ sinh khử khuẩn, hỗ trợ điều dưỡng nhiều công việc trong khu điều trị... để lực lượng nhân viên y tế tập trung vào công tác chuyên môn.
Ngày 3-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TPHCM chống dịch Covid-19, đã có Thư ngỏ gửi những người mắc Covid-19 đã từng chiến thắng biến thể Delta, kêu gọi chung tay đóng góp vào công cuộc chống dịch của TPHCM ở bất kỳ vị trí nào. Bức thư có đoạn: “Với niềm hy vọng, niềm tin vào sự khống chế thành công dịch bệnh, đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi thiết tha mong đợi sự tham gia của các bạn vào công tác phòng chống dịch của thành phố. Bất kỳ vị trí, công việc nào các bạn tham gia đều được cá nhân tôi và toàn thể nhân dân thành phố trân trọng và biết ơn”. KHÁNH NGUYỄN |