FED khiến thị trường toàn cầu biến động mạnh

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ lãi suất gần như bằng 0 hiện nay sau cuộc họp chính sách kết thúc vào thứ Tư (28/10).

Những thông tin hỗn hợp mà Fed đưa ra sau cuộc họp đã khiến thị trường toàn cầu từ chứng khoán, tới USD, vàng có phiên giao dịch đầy biến động.

 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ lãi suất gần như bằng 0 hiện nay sau cuộc họp chính sách kết thúc vào thứ Tư (28/10).

Fed cho biết, lo ngại về bất ổn thị trường tài chính toàn cầu đã giảm bớt và thị trường lao động vẫn đang ổn định, dù tốc độ tăng trưởng việc làm chậm hơn.

“Trong cuộc họp tiếp theo, Ủy ban sẽ xem xét các điều kiện đã phù hợp chưa để quyết định về việc tăng lãi suất, bao gồm cả thực tế, cũng như dự báo tương lai về mục tiêu của thị trường lao động và lạm phát lên 2%”, Fed cho biết trong tuyên bố sau cuộc họp.

Tuyên bố của Fed khiến nhà đầu tư đặt cược vào khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 với khả năng này tăng lên 43% so với mức 34% trước khi có tuyên bố.

Tuyên bố của Fed đã khiến phố Wall có phiên giao dịch đầy biến động. Trước tuyên bố của Fed, các chỉ số chính của phố Wall duy trì mức tăng khá tốt với sự hỗ trợ của Apple sau khi hãng công nghệ này công bố kết quả kinh doanh khả quan nhờ doanh thu tăng gấp đôi tại thị trường Trung Quốc và cổ phiếu năng lượng với giá dầu tăng mạnh trở lại, nhưng khi Fed tuyên bố về khả năng sẽ tăng lãi suất trong tháng 12, các chỉ số gần như “bổ nhào”, xuống dưới tham chiếu. Tuy nhiên, về cuối phiên, phố Wall lấy lại đà tăng và đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày khi trong tuyên bố của mình, Fed tin tưởng vào khả năng kinh tế Mỹ duy trì được đà tăng trưởng tốt.

Kết thúc phiên 28/10, chỉ số Dow Jones tăng 198,09 điểm (+1,13%), lên 17.779,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 24,46 điểm (+1,18%), lên 2.090,35 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 65,54 điểm (+1,3%), lên 5.095,69 điểm.

Cũng giống phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Tư nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng, cũng như kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ mở rộng chương trình mua trái phiếu của mình trong tháng 12 và dự đoán Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp đang diễn ra (chứng khoán châu Âu đóng cửa trước khi cuộc họp của Fed kết thúc sau mấy tiếng).

Kết thúc phiên 28/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 72,53 điểm (+1,14%), lên 6.437,8 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 139,77 điểm (+1,31%), lên 10.831,96 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 43,51 điểm (+0,9%), lên 4.890,58 điểm.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán lại có sự trái chiều. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại nhờ kết quả kinh doanh quý III của một số doanh nghiệp công bố khả quan, một số nhà cung cấp cho Apple sau khi giảm mạnh phiên trước đó do dự đoán kết quả kinh doanh kém lạc quan của đại gia công nghệ Mỹ đã nhanh chóng trở lại. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã không thể có được sự thần kỳ như phiên trước đó do áp lực bán phiên thứ Tư quá mạnh. Dẫn đầu việc giảm giá là nhóm cổ phiếu tài chính, bảo hiểm khi nhà đầu tư lo lắng việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ làm gia tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Kết thúc phiên 28/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 125,98 điểm (+0,67%), lên 18.903,02 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 186,16 điểm (-0,8%), xuống 22.956,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 59,14 điểm (-1,72%), xuống 3.375,2 điểm.

Trên thị trường vàng, giá vàng có phiên giao dịch đầy biến động. Dự báo Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất gần như bằng 0 như hiện tại trong cuộc họp kết thúc vào thứ Tư, giá vàng đã có đà tăng rất tốt, thậm chí trong phiên Mỹ đã vượt qua mức 1.180 USD/ounce. Tuy nhiên, mọi thứ sau đó trở nên hỗn loạn khi lực bán tháo ồ ạt diễn ra sau tuyên bố của Fed hàm ý về khả năng tăng lãi suất trong tháng 12, dù vẫn giữ mức lãi suất gần như bằng 0 trong cuộc họp này đúng như dự báo.

Áp lực báo tháo đã giá vàng rơi thẳng hơn 25 USD/ounce trước khi hồi nhẹ trở lại, đóng cửa trên mức 1.155 USD/ounce.

Kết thúc phiên 28/10, giá vàng giao ngay giảm 11,3 USD (-0,97%), xuống 1.155,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 10,3 USD (+0,88%), lên 1.176,1 USD/ounce, nhưng ngay khi mở cửa phiên châu Á sáng nay, đã nhanh chóng giảm 17,7 USD/ounce (-1,5%), xuống 1.158,4 USD/ounce.

Theo dữ liệu của Cơ quan quản lý năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng trong tuần qua, nhưng tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất lại giảm mạnh hơn nhiều so với dự kiến. Cụ thể, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần qua tăng 3,4 triệu thùng, lên 479,96 triệu thùng, thấp hơn 4,1 triệu thùng so với công bố của Viện công nghệ dầu khí Mỹ (API) công bố ngày trước đó. Thông tin này đã giúp giá dầu có phiên giao dịch khởi sắc với mức tăng hơn 5%.

Kết thúc phiên 28/10, giá dầu thô Mỹ tăng 2,74 USD/thùng (+5,96%), lên 45,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,24 USD (+4,57%), lên 49,05 USD/thùng.

Các tin khác